Nạn nhân cũng bị phạt!?

(ANTĐ) - Phân bón giả, phân bón kém chất lượng cho đến thời điểm này vẫn khiến các cơ quan quản lý đau đầu. Gần đây, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng làm hại nông dân, gây ô nhiễm môi trường càng nóng bỏng, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể.

Nạn nhân cũng bị phạt!?

(ANTĐ) - Phân bón giả, phân bón kém chất lượng cho đến thời điểm này vẫn khiến các cơ quan quản lý đau đầu. Gần đây, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng làm hại nông dân, gây ô nhiễm môi trường càng nóng bỏng, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể.

Có lẽ do số lượng các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón được cấp phép quá dễ dãi đã khiến loại hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm này mọc lên như nấm, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Để tháo gỡ vấn đề này, các cơ quan quản lý đang bàn bạc, phối hợp để cho ra đời một nghị định xử phạt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng. Theo đó, những hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng nếu bị phát hiện sẽ bị phạt cao gấp 3-4 lần so với trước kia. Một trong những quy định được đưa ra trong nghị định này là xử phạt nặng người sử dụng phân bón giả, kém chất lượng. Và tất nhiên, người sử dụng phân bón nhiều nhất là nông dân.

Nếu điều khoản trên thành hiện thực thì: Nông dân là nạn nhân gánh chịu hậu quả trực tiếp của việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng nay lại bị xử phạt nặng do cơ quan quản lý đã... “đá bóng” trách nhiệm. Đúng là thiệt đơn, thiệt kép. Không người nông dân nào muốn mua phân bón giả, phân bón kém chất lượng về bón cho đồng ruộng của mình.

Cực chẳng đã khi họ chính là nạn nhân của những trò kinh doanh lừa đảo, vô lương tâm. Họ chính là người chịu hậu quả của việc quản lý lỏng lẻo (nếu không muốn nói là ngành chức năng làm công tác quản lý bất lực không kiểm soát được thị trường) dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu hành phổ biến trên thị trường.

Có những quan chức của cơ quan soạn thảo văn bản biện bạch, phải phạt người sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng để bà con nâng cao ý thức cảnh giác hơn trong việc sử dụng sản phẩm này. Thay vì có những biện pháp để kiểm soát thị trường; thay vì cung cấp thông tin, kiến thức để người dân có thể lựa chọn sản phẩm phân bón có chất lượng, cơ quan quản lý lại đẩy “quả bóng” trách nhiệm cho những người “chân lấm tay bùn” gánh chịu.

Ngay lãnh đạo các cơ quan quản lý, liệu bằng mắt thường có thể phân  biệt được phân bón giả, kém chất lượng; hoặc không dựa vào sổ sách có thể biết được tất cả những loại phân bón trong danh mục? Có thể khẳng định là không.

Khắc phục những bất cập trong công tác quản lý không thể theo kiểu... xử phạt cả nạn nhân. Thời gian qua, điệp khúc “người tiêu dùng thông thái” được nhắc đến khá nhiều. Nhưng nay, chuyện nạn nhân (người tiêu dùng) của tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng bị xử phạt thì lần đầu tiên xuất hiện trong dự thảo một nghị định.

Ngân Tuyền