Năm 2020: 75% giảng viên đại học là tiến sỹ

Diện tích tối thiểu với trường ĐH có quy mô 5.000 SV là 10 hecta, có khoảng 15.000 SV là 30 hecta và khoảng 25.000 SV là từ 40 hecta trở lên... Đó là mục tiêu quy hoạch các trường ĐH, CĐ từ nay đến năm 2020.

Năm 2020: 75% giảng viên đại học là tiến sỹ

Diện tích tối thiểu với trường ĐH có quy mô 5.000 SV là 10 hecta, có khoảng 15.000 SV là 30 hecta và khoảng 25.000 SV là từ 40 hecta trở lên... Đó là mục tiêu quy hoạch các trường ĐH, CĐ từ nay đến năm 2020.

Khoảng 70-80% SV được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng và 20-30% SV được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu. Có 30-40% SV học các trường tư thục. Giảng viên đại học có 75% là tiến sỹ và 90% là thạc sỹ trở lên. Giảng viên cao đẳng có 20% tiến sỹ và 70% thạc sỹ trở lên.

Năm 2020, ĐHQG sẽ có khoảng 42.000 SV. Ảnh: LAD
Năm 2020, ĐHQG sẽ có khoảng 42.000 SV. Ảnh: LAD

Đó là mục tiêu quy hoạch các trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT giai đoạn 2006-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Theo quy hoạch này, sẽ mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, điều chỉnh cơ cấu hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn công tác đào tạo với NCKH.

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ đầu tư ngân sách bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học, tạo quỹ đất xây trường, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục nhằm huy động nguồn lực tham gia phát triển giáo dục.

Cùng với đó, tăng cường phân cấp quản lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hình thành các cụm trường đại học theo vùng, uu tiên thành lập các cơ sở mới, hạn chế việc nâng cấp các cơ sở hiện có.

Mục tiêu khác được đề cập là tập trung xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế, các trường vùng sâu, vùng xa và khuyến khích các trường tư thục phát triển.

Theo đó, sẽ nâng dần quy mô tuyển sinh mới hàng năm của cả mạng lưới, để đạt mục tiêu tuyển khoảng 420.000 sinh viên trong năm 2010, gần 600.000 sinh viên năm 2015 và 1.200.000 sinh viên năm 2020.

Tổng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng của cả mạng lưới đạt khoảng 1,8 triệu người/năm vào năm 2010, 3 triệu người/năm vào năm 2015 và 4,5 triệu người/năm vào năm 2020.

Quy mô đào tạo của hệ thống giáo dục được xác định: ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM: khoảng 42.000 sinh viên. Các trường ĐH trọng điểm khác khoảng 35.000 sinh viên. Các trường ĐH, học viện đào tạo các ngành nghề kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, luật, sư phạm... khoảng 15.000 SV. Các trường ĐH đào tạo y tế, văn hoá - xã hội: khoảng 8.000 SV. Các trường ĐH đào tạo các ngành năng khiếu: khoảng 5.000 SV. Các trường cao đẳng đào tạo đa ngành, đa cấp: khoảng 8.000 SV.

Sẽ có điều chỉnh cơ cấu sinh viên theo các nhóm ngành nghề, để đến năm 2020 đạt tỷ lệ: khoa học cơ bản: 9%, sư phạm: 12%, công nghệ - kỹ thuật: 35%, nông - lâm - ngư: 9%, y tế: 6%, kinh tế - luật: 20% và các ngành khác: 9%.

Mục tiêu quy hoạch cũng xác định, sẽ triển khai đại trà công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, thực hiện định kỳ xếp hạng các trường ĐH, CĐ.

Xây dựng Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhằm cùng cấp các dữ liệu thống kê, thông tin... phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển ngành và cơ sở đào tạo.

Nhà nước sẽ hỗ trợ các trường về đất đai. Diện tích tối thiểu với trường ĐH có quy mô 5.000 SV là 10 hecta, có khoảng 15.000 SV là 30 hecta và khoảng 25.000 SV là từ 40 hecta trở lên.

Đối với các trường có diện tích quá nhỏ (dưới 2 hecta) ở trong nội thành, sẽ có giải pháp chuyển đổi đất để di rời ra khu vực ngoại thành có diện tích trên 10 hecta.

Hoàng Lê

Theo Vietnamnet