Muốn thoát nghèo nông dân phải có nghề phụ
(ANTĐ) - Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Giám đốc Trung tâm sinh học thực nghiệm - Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định đây là thời điểm khó khăn nhất với người nông dân. Nhà nước cũng đã đổ không ít tiền về các vùng nông thôn nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Đây là lúc cần một con đường đi mà người nông dân cảm thấy tin tưởng.
Vấn đề quyết định hiện nay cho nông dân không phải là cái tay, không phải là tiền mà là “cái đầu”. Tuy giá gạo có tăng nhưng vật tư cũng tăng theo, thậm chí có loại tăng lên gấp 2-3 lần. Kéo theo đó là giá cả các mặt hàng khác cũng tăng, thành thử nông dân vẫn không được bao nhiêu.
Mặt khác, đây cũng là thời điểm đất nông nghiệp đã bị thu hẹp rất nhiều. Trong điều kiện ấy, nông dân làm gì ra tiền? Lương thực, thực phẩm là điều sống còn của đất nước, vì vậy dù có lỗ vẫn phải làm. Nhưng, bên cạnh làm ruộng, nông dân dứt khoát phải có nghề phụ để kiếm ra tiền mới mong thoát nghèo. Đây là cách giúp nông dân vượt qua khó khăn. Trong một chuyến đi Thái Lan, thấy vua Thái Lan làm 500 cuốn sách cho nông dân và giao cho các trường đại học viết, về nước, tôi nung nấu ý tưởng sẽ viết bộ sách cho nông dân, và tôi đã bắt tay vào làm. Với tư cách Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học, tôi đã kêu gọi các nhà khoa học trong ngành sinh học, nông nghiệp, thậm chí cả những nông dân giỏi viết sách dạy nghề cho nông dân.
Có nghề phụ, nông dân sẽ bớt nghèo |
- PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về dự án 100 nghề thoát nghèo cho nông dân cả nước?
- GS Nguyễn Lân Hùng: 100 nghề này không phải cho 1 nơi mà cho cả nước. Mỗi vùng chỉ cần chọn 20-30 nghề, mỗi gia đình chọn 1-2 nghề thì cả nước sẽ có nghề phụ. Tôi lấy ví dụ, con rắn Ri-voi là do 1 nông dân ở Mỹ Tho nuôi. Chỉ trong phạm vi 2.000m2 và sau một thời gian làm nghề, nông dân ấy thu được 1 tỷ đồng. Cây thanh long hiện chỉ trồng được trong miền Nam nhưng giống Đài Loan - Trung Quốc lại trồng được ở miền Bắc, chỉ cần chỗ không trũng nước là trồng được. Hoặc, đà điểu không sợ mưa nắng, nuôi từ nhỏ đến lớn không cần chuồng trại, chỉ cần rào xung quanh...
Tôi sẽ viết 100 cuốn sách, mỗi cuốn sách hướng dẫn cho nông dân 1 nghề. Sách sẽ viết thật đơn giản, cách viết ngắn gọn để người dân đọc là làm được. Các cuốn sách đều có mô hình nông dân điển hình kèm theo địa chỉ những nơi làm thành công, người đọc có thể liên hệ để mua giống, học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, mỗi bộ sách đi kèm băng hình dài 30-50 phút dạy nghề để người dân học trực quan hơn, người không biết chữ cũng học được. Năm nay, tôi sẽ viết 50 cuốn, tương đương 50 nghề, sang năm sẽ hoàn thiện. Sách chuyển về Hội Nông dân của từng tỉnh và từ đó đến với người nông dân. Dự án cần 5,1 tỷ đồng, mỗi cuốn sách mất khoảng 10 triệu (6 triệu cho tác giả, 1 triệu cho họa sĩ, 1 triệu cho Nhà xuất bản, 2 triệu cho biên tập). Mỗi cuốn sách in 2.000 bản đầu tiên, giá 10.000 đồng, 2 tỷ đồng sẽ làm phim đính kèm.
- PV: Nhưng, thưa GS việc phát triển nghề phụ đồng loạt như vậy thì người nông dân chưa có đầu ra, và sẽ lại đi vào bế tắc?
- GS Nguyễn Lân Hùng: Đúng, đây là chỗ nông dân vướng mắc, nhưng Nhà nước phải nghĩ đến đầu ra cho nông dân, không thể bắt nông dân tính toán được đầu ra cho sản phẩm. Khi bàn tính giải pháp thì đồng thời Nhà nước cũng phải tính chuyện đầu ra. Khẩu hiệu 4 nhà liên kết lúc này không còn là khẩu hiệu suông nữa mà phải thành hiện thực. Doanh nghiệp, Nhà nước cấp giấy phép cho kinh doanh thì ngược lại, cũng phải có trách nhiệm lo đầu ra cho nông dân, nếu không làm tốt thì tước bỏ giấy phép kinh doanh vì không hoàn thành nhiệm vụ. Theo tôi, cũng cần xem xét lại, bấy lâu nay chúng ta quá “chiều” doanh nghiệp. Tại sao khi giá lúa gạo rẻ, Nhà nước lại cho doanh nghiệp vay tiền để thu mua, ép giá nông dân, rồi khi được giá họ bán ra, ai được lợi, ai bị thiệt?
- PV: Như GS nói, đã đến lúc người nông dân phải đi theo nhà khoa học chứ không phải theo cái cày, tuy nhiên, để nông dân tiếp cận KHKT cũng không đơn giản?
- GS Nguyễn Lân Hùng: Chúng ta đã có một hệ thống Nhà nước đến tận cấp xã, hệ thống khuyến nông khuyến ngư khá đông, nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều đơn vị tồn tại chỉ như một nơi để hợp lý hóa việc tiêu tiền.
Không những vậy, các kênh thông tin của chúng ta nhiều kênh vẫn còn là hình thức. Ví dụ Nhà xuất bản Nông nghiệp, phục vụ cho gần 80% dân số mà không có hiệu sách. Còn nhà khoa học phải bớt đi những cái viển vông, sáo rỗng để lấy bằng cấp mà đi vào những vấn đề cụ thể. Một vị lãnh đạo của Bộ KHCN đã cho biết, đề tài của Bộ chỉ 30% có tính ứng dụng. Theo tôi, mỗi nhà khoa học chỉ cần giúp nông dân 1 vấn đề thì tin rằng nông dân mình sẽ vượt qua khó khăn. Mình có nhiều thế mạnh: khí hậu, đất đai, tiềm năng sinh học... Đây là lúc Trung ương phải huy động được các nhà khoa học vào cuộc giúp người nông dân thoát nghèo thực sự chứ đừng dừng lại ở khẩu hiệu.
- PV: Xin cảm ơn GS!
Ngân Tuyền (Thực hiện)