Tổng thống Mỹ đối thoại với giới trẻ Việt Nam:

"Muốn thành công đầu tiên phải tìm ra điều bạn thích thú"

ANTĐ -Tại cuộc gặp với khoảng 800 đại biểu nhóm thủ lĩnh trẻ YSEALI (chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á được Tổng thống Obama thành lập năm 2013 hướng tới các thủ lĩnh trẻ trong độ tuổi 18-35 ở 10 quốc gia Đông Nam Á) tại Trung tâm hội nghị GEM TP.HCM sáng qua 25-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục gây ấn tượng với những chia sẻ truyền cảm hứng cho giới trẻ về đam mê và cống hiến cho đất nước, cho cộng đồng.

"Muốn thành công đầu tiên phải tìm ra điều bạn thích thú" ảnh 1Tổng thống Obama đã có những chia sẻ rất riêng tư với các bạn trẻ tại Việt Nam

Mở đầu buổi trò chuyện, Tổng thống Obama một lần nữa nói lời cảm ơn đến Chính phủ và người dân Việt Nam về lòng hiếu khách. Tổng thống Obama cho biết, ông rất cảm động khi nhận được sự tiếp đón nhiệt tình trong suốt những ngày ông ở Việt Nam. 

Tổng thống Obama chia sẻ, ông có mối quan hệ rất chặt chẽ với châu Á và khẳng định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã định hình nên một Barack Obama của ngày hôm nay.  Ông cho biết, cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ tại GEM khiến ông vô cùng thích thú và hy vọng về một ASEAN và về thế giới. Theo ông Obama, các bạn trẻ ngồi tại GEM chính là minh chứng rõ ràng nhất cho động lực phát triển của đất nước. “Các bạn đã chỉ ra rằng các bạn có thể thay đổi thế giới”, ông Obama nói đồng thời nhấn mạnh “Tôi rất cần cảm hứng của các bạn để giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Trong phần trao đổi với gần 800 bạn trẻ tại GEM, trước câu hỏi của một bạn tên Hoàng, đến từ trường Đại học Quốc gia, về việc làm thế nào để giới trẻ trở thành một Barack Obama, nhà lãnh đạo Mỹ Obama cho biết: “Hồi tôi trẻ như các bạn, tôi chơi nhiều, tôi không có cơ hội giống các bạn đâu. Muốn thành công, điều đầu tiên là phải tìm ra điều bạn thích thú, quan tâm. Không có con đường chung để trở thành lãnh đạo”. “Khi có đam mê, điều tự nhiên sẽ đến. Nếu chỉ chăm chăm muốn trở thành "một ai đó" thì khó. Ví dụ như Bill Gates. Tôi không nghĩ ông ấy khởi đầu đã muốn trở thành tỉ phú mà ông đam mê máy tính. Lúc đầu, tôi muốn giúp những người nghèo ở Chicago. Tôi muốn tạo nhiều cơ hội cho cộng đồng này. Đó là lý do đã dẫn dắt tôi vào chính trị chứ không phải ngay từ đầu tôi muốn làm Tổng thống”.

Một bạn trẻ bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Tổng thống Obama để tiếp cận các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt các doanh nghiệp về điện tử và tiêu dùng, hàng không và ô tô tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm của các doanh nghiệp này, ông Obama cho biết, đó là lý do Chính phủ Mỹ thúc đẩy Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ liên quan đến hang Sơn Đoòng, ông Obama bày tỏ hứng thú muốn khám phá Sơn Đoòng và cho biết: “Chúng tôi rất sẵn lòng làm việc cùng Chính phủ và các tổ chức ở Việt Nam để góp phần bảo vệ các di sản thiên nhiên như Sơn Đoòng. Tôi rất vui vì thế hệ trẻ Việt Nam đã chú tâm hơn tới những vấn đề môi trường”.

Tiếp tục nói về vấn đề bảo vệ môi trường, ông cũng nhắc nhở, bên cạnh việc bảo vệ những thắng cảnh tự nhiên, các bạn trẻ cũng cần nhớ về sự biến đổi khí hậu toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt. Ông cho biết, tình hình hạn hán, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là một ví dụ về hậu quả của sự biến đổi khí hậu.

Liên quan đến tình trạng “chảy máu chất xám” đang xảy ra tại Việt Nam, ông Obama cho rằng: “Việc tưởng thưởng xứng đáng cho các tài năng là cách giữ họ tốt nhất”. Bên cạnh đó, các chính sách, hạ tầng và nhiều vấn đề khác cũng rất quan trọng. “Tôi nghĩ người ta sẽ không muốn rời quê hương nếu họ không bị tắc ở đó”, ông Obama nói. Ông cũng khẳng định, bất kỳ công ty nước ngoài nào cũng muốn làm việc với công ty đối tác Việt Nam. 

Ngay sau buổi giao lưu với các bạn trẻ ở TP.HCM, Tổng thống Obama bay sang Nhật dự hội nghị Thượng đỉnh G7. Ông Obama đã chính thức kết thúc thành công tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam, trong sự đón tiếp nồng hậu, hiếu khách của người dân Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: “Cảm ơn ông, Tổng thống Obama!”

"Muốn thành công đầu tiên phải tìm ra điều bạn thích thú" ảnh 2

Tôi vô cùng trân trọng và muốn gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Obama sau khi nghe bài phát biểu của ông trong chuyến công du tại Việt Nam. Bất cứ người nước ngoài nào yêu quý và hiểu biết về các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam đều rất đáng trân trọng, huống hồ đây lại là vị Tổng thống của một cường quốc lớn trên thế giới. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama đã nhắc đến lịch sử dân tộc Việt Nam, về các danh nhân văn hóa, về truyện Kiều vốn vẫn được xem là tâm hồn của người Việt, ông nhắc đến cả những giá trị âm nhạc hiện hữu trong đời sống nghệ thuật từ Văn Cao đến Trịnh Công Sơn. Điều đó đã chạm đến trái tim của giới văn nghệ sĩ như tôi nói riêng và mọi người dân Việt Nam nói chung. Xin cảm ơn ông, Tổng thống Obama!

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Sang một trang mới tươi sáng hơn

"Muốn thành công đầu tiên phải tìm ra điều bạn thích thú" ảnh 3

Nội dung bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama cho thấy sự am hiểu về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam khi trích dẫn linh hoạt từ bài thơ “Nam quốc sơn hà” mà Lý Thường Kiệt đã cho đọc bên dòng Như Nguyệt khi đối đầu với quân Tống xâm lược, hay những lời ca tràn đầy tình yêu thương của Văn Cao trong “Mùa xuân đầu tiên”. Đây là dấu hiệu cho thấy, 2 nước Việt Nam và Mỹ đã bước qua thời kỳ “tìm hiểu” để khép lại quá khứ đau buồn, mất mát, từ đó sang một trang mới tươi sáng hơn.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền: Xúc động khi nghe Tổng thống Obama đọc thơ Lý Thường Kiệt

"Muốn thành công đầu tiên phải tìm ra điều bạn thích thú" ảnh 4

Tổng thống Mỹ Obama đã thể hiện sự tôn trọng đối với người dân và đất nước mà ông đến thăm khi đọc thơ văn Việt Nam và nhắc đến lịch sử dài lâu của dải đất hình chữ S. Đặc biệt, tôi rất xúc động được nghe ông nhắc đến 2 câu thơ trong bài “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt trong bối cảnh quốc tế đang diễn biến phức tạp. Tổng thống Obama không ngại nhắc đến thực tế mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt khi khẳng định chủ quyền Tổ quốc và ông đã giữ được hình ảnh đẹp trong mắt người dân Việt Nam. 

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Văn chương có sức sống trường tồn

"Muốn thành công đầu tiên phải tìm ra điều bạn thích thú" ảnh 5

Đây không phải là lần đầu tiên Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du được các Tổng thống Mỹ trích dẫn trong những bài phát biểu. Điều đó cho thấy, văn chương có sức sống trường tồn và bất hủ. Đó cũng là sức bền của ngòi bút và cái tài của cụ Tiên điền Nguyễn Du. Văn chương khiến cho những người làm chính trị tưởng khô khan nhưng cũng phải rung động. Cách đây nửa thế kỷ, người Mỹ đến Việt Nam mang theo bom đạn, giờ các Tổng thống như Bill Clinton và Barack Obama đến mang theo thi ca. Khi họ mang theo bom đạn, cái họ nhận lại là bom đạn. Còn với thi ca, họ cũng sẽ nhận được thi ca và lòng nhân ái. Dân tộc này là vậy. Chúng ta trường tồn vì điều đó.

Nhà văn Phong Điệp: Ông Obama thể hiện sự trân trọng văn hóa Việt Nam

"Muốn thành công đầu tiên phải tìm ra điều bạn thích thú" ảnh 6

Từ việc trích thơ Lý Thường Kiệt cho đến Văn Cao hay Trịnh Công Sơn… trong bài phát biểu của mình đã cho thấy ông Obama là người trân trọng văn hóa Việt Nam. Chính sự trân trọng ấy đã truyền cảm hứng tới người dân Việt Nam. Hơn thế, những câu trích dẫn của ông Obama thể hiện rằng ông đến Việt Nam với tâm thế của một người bạn hiểu biết, thông cảm và chia sẻ. Cũng giống như ông nói về chủ quyền, bày tỏ sự chia sẻ cũng như sẵn sàng làm người bạn giúp đỡ khi Việt Nam cần đến. Và khi khép lại bài phát biểu, ông cũng rất khéo léo và tài tình dùng ý thơ của Nguyễn Du để nói rằng, dù ông đã ở cuối nhiệm kỳ nhưng chuyến thăm này chắc chắn mở ra một chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ. Tôi cũng tin là dù sau này ông Obama không ở cương vị Tổng thống Mỹ nữa thì ông cũng sẽ dành nhiều tình cảm cho đất nước Việt Nam.