Muôn mặt phong bì
(ANTĐ) - Chiếc phong bì vốn dĩ mang ý nghĩa đáng quý, trang trọng và lịch sự. Trong đời sống hàng ngày, chiếc phong bì mang những lá thư đến cho người ở xa, như một chiếc cầu nối của những quan tâm, mong nhớ, yêu thương.
Nhưng, giờ đây, những chiếc phong bì không chỉ để đựng thư, đựng công văn hành chính nữa. Quà biếu dịp Tết, có mua chai rượu ngoại đắt tiền đến mấy, cũng chẳng được “ấn tượng” bằng chiếc phong bì “dày” và “nặng”.
Hằn sâu trong nếp nghĩ của rất nhiều người, không có phong bì là không ổn, không yên tâm. Nếu người nhà bệnh nặng, phải đi bệnh viện phẫu thuật, kiểu gì cũng phải phong bì cho cô y tá, bác sĩ để “cảm ơn.”
Nếu không đưa, cô y tá, bác sĩ sẽ lơ là với người nhà mình thì sao? Con cái đi học mẫu giáo, cũng đưa phong bì cho cô giáo, không thì sợ cô chăm con mình không tốt. ở khối kinh doanh, phong bì còn hoành hành ghê gớm hơn cả.
Trong cuộc lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về năng lực điều hành của chính quyền tỉnh năm 2007, nhóm nghiên cứu đã nhận định: Vấn đề đáng lo ngại nhất là chi phí không chính thức.
70% DN tin rằng, phải trả các khoản chi phí hối lộ. 12% DN thừa nhận phải trả trên 10% doanh thu của họ cho các khoản chi phí không chính thức. 39% số DN cho rằng, các cán bộ Nhà nước sử dụng các qui định địa phương để thu lợi riêng. 48% số DN thừa nhận rằng, việc chi phí không chính thức giúp cho công việc của họ được giải quyết như mong muốn.
Tại cuộc công bố kết quả này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thẳng thắn bảo: “Không chính thức là tham nhũng, hối lộ chứ còn là gì nữa. Tại sao lại có cái phí ấy? Tại văn bản pháp luật còn nhiều kẽ hở nên mới bị lợi dụng và cần xem, thu nhập công chức đã đủ sống chưa?”. Chiếc phong bì cũng theo quy luật thị trường, có cầu ắt có cung. Ngoài tâm lý theo lệ ở trên, rõ ràng, cái cung “phong bì” là có cơ sở và có thể, sẽ còn gia tăng.
Chúng ta sẽ cần một chính sách an sinh xã hội tốt hơn để những “công chức” có thể “vô cảm” trước mọi phong bì. Chúng ta sẽ cần một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn, một cổng thông tin mở hơn, thật cụ thể, minh bạch và công khai, để mọi người dân và DN cứ thế mà làm”, “khỏi” cần nhờ “phong bì” bôi trơn! Làm quyết liệt, mạnh mẽ, tự chiếc phong bì sẽ trở lại với ý nghĩa vốn dĩ của nó, trang trọng, lịch sự và văn minh.
Phạm Huyền