Muôn mặt Game Online
Bài cuối: Siết chặt quản lý game online
(ANTĐ) - Thời điểm này, trước việc game online gây ra không ít ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng ráo riết tiến hành các biện pháp để ngăn chặn game xấu.
(Tiếp theo số 2985 và hết)
Giới hạn giờ chơi game và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chống nghiện game (ảnh minh họa) |
Sẽ thanh tra các đại lý internet
Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ game online. Sở TT-TT Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra các đại lý internet, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ game online trên địa bàn thành phố trong tháng 8 tới.
Nội dung thanh tra sẽ bao gồm việc kiểm tra giấy phép kinh doanh của các đại lý, doanh nghiệp; kiểm tra việc ký hợp đồng theo mẫu thống nhất với các đại lý của doanh nghiệp, việc xây dựng quy chế quản lý, giám sát việc chấp hành các quy định đối với các đại lý internet do doanh nghiệp quản lý; kiểm tra phần mềm quản lý; chứng chỉ trình độ tin học của chủ đại lý hoặc nhân viên quản lý trực tiếp đại lý internet.
Đặc biệt chú ý việc niêm yết giờ đóng cửa, mở cửa, thời gian cung cấp dịch vụ, giá cước truy cập internet; thông tin khách hàng; việc cung cấp các loại game có nội dung bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục…
Đợt kiểm tra cũng tập trung vào các đại lý internet gần cổng trường học. Theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND thành phố Hà Nội về quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet trên địa bàn thành phố, các đại lý này phải cách cổng trường học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học tối thiểu 200m. Các đại lý này chỉ được cung cấp dịch vụ từ 6h đến 23h hàng ngày.
Thực hiện Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND, từ ngày 1 đến 15-8, Sở TT-TT Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương trên đến các chủ đại lý. Sau ngày 15-8, tất cả các đại lý internet gần cổng trường học đều phải cách cổng trường học ít nhất 200m.
Những cơ sở nào vi phạm, bất hợp tác có thể bị tịch thu tài sản liên quan. Sau ngày 30-8, công việc di dời này sẽ hoàn thành. UBND thành phố Hà Nội cũng giao trách nhiệm cho UBND quận, huyện triển khai công tác này đến tận xã, phường, cụm dân cư. Đây được coi là những hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực từ game oline.
Một hành lang pháp lý khác nữa là Dự thảo quản lý trò chơi trực tuyến đang được Bộ TT-TT trình Chính phủ. Khi được phê duyệt, văn bản này sẽ là căn cứ để xử lý game không lành mạnh, có ảnh hưởng xấu đến người chơi.
Đối phó của doanh nghiệp và game thủ
Đại diện truyền thông VinaGame cho biết: “Chúng tôi đề xuất quản lý theo 3 định hướng: quản lý nội dung (nội dung tốt, lành mạnh, phù hợp với văn hóa), quản lý người chơi (hệ thống chứng thực nhân thân) và quản lý giờ chơi (áp dụng với đối tượng trẻ em). Đây là các biện pháp đang được các nước khác áp dụng để có thể giúp cho ngành game online phát triển hài hòa”.
Game thủ Hoàng Linh lại cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần ngăn chặn triệt để game lậu đang có mặt tại Việt Nam, phát triển game thuần Việt về lịch sử đất nước. Đồng thời với việc quản lý chặt các địa điểm kinh doanh internet công cộng, thì cần quản lý chặt thông tin cá nhân của người chơi. Hoàng Linh cũng cho rằng, có thể áp dụng hình thức, người chơi nhiều hơn 5 tiếng/ngày không được điểm thưởng, người chơi quá 8 tiếng/ngày sẽ bị cắt tài khoản 24h.
Game thủ Hoàng Văn Trường chia sẻ: “Các biện pháp quản lý hiện nay chỉ tập trung vào game online nên người chơi rất dễ tìm đến các webgame. Số lượng người chơi webgame hiện cũng rất lớn”. Theo Trường, game online nhập vai trực tuyến có hình ảnh sinh động, âm thanh tốt, thường được người chơi lứa tuổi dưới 18 ưa thích.
Chơi game online, người nào càng online nhiều càng tốt. Còn người đi làm, dân văn phòng có độ tuổi trên 23 lại hay chơi webgame, không tốn thời gian bởi chỉ cần thực hiện lệnh thao tác, người chơi vẫn có thể làm việc. Bởi vậy, cần quan tâm đến cả webgame để việc quản lý mang lại kết quả tốt hơn.
Theo kinh nghiệm từ Trung Quốc, từ 1-8 tới, người chơi game dưới 18 tuổi sẽ được bảo vệ trước các trò chơi trực tuyến không lành mạnh. Các công ty phát triển kỹ thuật phải áp dụng các biện pháp giới hạn giờ chơi của game thủ là vị thành niên để ngăn chặn triệt để tình trạng nghiện game.
Đồng thời, trẻ dưới 18 tuổi tham gia game online cũng bị cấm mua bán đồ ảo. Họ phải cung cấp thông tin cá nhân chính xác cho chủ đại lý. Được biết, Sở TT-TT Hà Nội cũng đang kiến nghị Bộ TT-TT yêu cầu các doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý người chơi, giờ chơi game.
Vân Hằng
Cần sớm có Nghị định quản lý (ANTĐ) - Theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, cửa hàng kinh doanh dịch vụ internet phải cách trường học (từ mẫu giáo đến trường trung học phổ thông) ít nhất 200m; phải được trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy, vệ sinh, âm thanh, ánh sáng và các điều kiện bảo vệ an toàn, sức khỏe cho người sử dụng dịch vụ; thời gian cung cấp dịch vụ tối đa từ 6h đến 23h hàng ngày; chịu sự thanh, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền… Theo cá nhân tôi, việc tìm ra các biện pháp để hạn chế thanh thiếu niên đốt thời gian vào game online là cần thiết. Quy định về khoảng cách từ cửa hàng internet đến các cổng trường học nhằm làm giảm tác động trò chơi đến các em song nó sẽ không phát huy tác dụng đối với những em cố tình đến những quán net xa trường, hoặc những nơi kín đáo nhằm tránh sự phát hiện của người lớn. Điều đáng nói là đến thời điểm hiện tại, Nhà nước chưa ban hành văn bản nào có giá trị pháp lý đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh internet và trò chơi điện tử. Trong khi đó, thu nhập từ việc kinh doanh loại hình dịch vụ này là siêu lợi nhuận, khiến các cửa hàng internet phát triển ngày càng ồ ạt không kiểm soát được. Họ đua nhau tung ra các trò chơi trực tuyến mới để câu khách, kể cả các trò chơi bạo lực, tình dục. Do đó, để quản lý tận gốc loại hình dịch vụ này, Chính phủ cần sớm có Nghị định về quản lý các dịch vụ kinh doanh internet và game online, trong đó có quy định rõ về việc bảo vệ tài sản của người chơi, trò chơi nào được sử dụng và thời gian mở, đóng cửa… đối với các cửa hàng, đại lý internet… Luật sư Trần Đình Triển Trưởng VPLS Vì Dân - ĐLS Hà Nội |