Mức phạt nhẹ, tội phạm môi trường chưa biết sợ

ANTĐ - Khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội cho thấy,  nhiều nơi vẫn còn tình trạng nhà này đổ rác sang nhà khác, địa phương này đổ rác sang địa phương khác… Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường, CATP Hà Nội cũng cho biết, tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng tinh vi, phức tạp.

Mức phạt nhẹ, tội phạm môi trường chưa biết sợ  ảnh 1Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội
phát hiện lượng lớn ô mai, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

Nhức nhối rác thải làng nghề, nước thải KCN

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 26-12, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Trong năm 2014, các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức 1.075 cuộc thanh tra, kiểm tra các vụ vi phạm về môi trường, xử phạt hành chính khoảng 7 tỷ đồng. 

Dù vậy, do lực lượng thanh tra mỏng, nhất là tuyến quận/ huyện chưa có thanh tra chuyên ngành nên công tác kiểm tra còn hạn chế, nhiều vụ sai phạm chưa được xử lý kiên quyết. Cũng vì thế, môi trường vẫn đang là một trong những lĩnh vực có nhiều đơn khiếu nại tố cáo nhất trên địa bàn Hà Nội. 

Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống, mỗi ngày từ các làng nghề này xả thải trực tiếp ra môi trường khoảng 60.000 m3 nước chưa qua xử lý. Bên cạnh đó, thành phố hiện vẫn còn 1 khu công nghiệp và 30 cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải; có 2.580 cơ sở y tế, gần 58.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, hơn 20.000 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm... Trong 7 năm qua, lực lượng cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ hơn 10.000 vụ với gần 11.000 đối tượng vi phạm, chuyển cơ quan điều tra truy tố 332 vụ với 409 bị can, phạt tiền hơn 70 tỷ đồng.

Cần tăng chế tài và nâng cao nhận thức

Theo Đại tá Doãn Hữu Châu, một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện các chính sách pháp luật về môi trường còn nhiều khó khăn, kết quả điều tra, khám phá các vụ án về môi trường vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế là do chế tài xử lý, kể cả xử lý hình sự và hành chính còn nhẹ. Trong nhiều lĩnh vực vẫn chưa xác định được vị trí pháp lý, thẩm quyền của Cảnh sát môi trường hoặc quy định chưa rõ, chưa cụ thể. Vì mức xử phạt còn nhẹ nên nhiều cá nhân, cơ sở vì lợi nhuận vẫn cố ý vi phạm, chấp nhận bị xử phạt.

Đánh giá về công tác này, ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, huy động được sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội. Tuy vậy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên của nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa cao. Một bộ phận nhân dân vẫn còn đổ rác thải, phế thải không đúng nơi quy định, nhất là phế thải xây dựng… 

Trước thực trạng này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, thành phố chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua. Thực tế, những kết quả đó chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này trên tinh thần bảo vệ, cải thiện môi trường gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Với lực lượng thanh tra chuyên ngành hiện có, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để tăng cường và nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của chính quyền, cơ quan chức năng cũng như các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường.   

Di dời hàng trăm cơ sở sản xuất gây ô nhiễm

Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp không nguy hại trên địa bàn thành phố đã đạt 85% - 90%, tương đương 549 - 581 tấn/ngày và xử lý khoảng 382 - 405 tấn/ngày; rác thải công nghiệp nguy hại được thu gom đạt 62-73 tấn/ ngày, chiếm 60 - 70% tỷ lệ phát sinh; 100% lượng rác thải y tế được thu gom, phân loại để tái chế hoặc xử lý theo quy định. Từ năm 2003-2008, thành phố đã rà soát và hướng dẫn di chuyển 142 cơ sở gây ô nhiễm. Đến nay, đã lập danh sách 422 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thuộc 17 ngành nghề cần phải di dời, trong đó đã di dời được 41 cơ sở. Toàn bộ 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng đã khắc phục xong và được chứng nhận xử lý triệt để theo quy định.