Mục đích “kép”
(ANTĐ) - Một trong những gói kích thích kinh tế mà Chính phủ triển khai trong năm 2009, được đánh giá cao về tính mục đích và tính hiệu quả, chính là chương trình xây dựng nhà ở xã hội và nhà cho người có thu nhập thấp. Chương trình này đạt mục đích “kép”: Kích thích tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đã có 126.000 căn nhà được xây dựng cho các hộ khó khăn thuộc 62 huyện nghèo nhất cả nước. Hầu hết chúng được xây dựng chỉ trong 5 tháng cuối năm 2009. Trong năm ngoái cũng đã giải ngân được 3.500 tỷ đồng để xây ký túc xá đáp ứng chỗ ở cho 330.000 sinh viên và đã có 88/95 dự án xây dựng ký túc xá được khởi công trong cả nước. Năm 2010 sẽ có thêm 2.000 tỷ đồng bổ sung từ ngân sách nhằm thực hiện chương trình. Từ năm 2011-2015 sẽ có khoảng 30.000 tỷ đồng nữa được đầu tư để xây dựng chỗ ở cho sinh viên và công nhân thuê với giá rẻ.
Song, vấn đề đau đầu đặt ra cho Bộ Xây dựng, cơ quan có trách nhiệm cao nhất về hiệu quả của chương trình nhà ở xã hội vẫn là cách làm để đạt được mục đích “kép”. Đã hai lần bộ này trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các bản dự thảo chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, đều bị trả lại với yêu cầu là làm sao phải hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhiều nhà ở xã hội được ngân sách Nhà nước chi tiền đầu tư, lẽ ra phải dành cho người nghèo, cho sinh viên, công nhân ở.
Nhưng thực tế, làm chủ các ngôi nhà đó lại là những người nhiều tiền, thu nhập cao. Một tổng giám đốc công ty cổ phần địa ốc cũng thừa nhận có những dự án phân phối nhà, đất cho người có thu nhập thấp, song chỉ một năm sau được chia, đếm được vài người gọi là nghèo còn trụ lại, còn 80% đã bán. Người thì bán một nửa để lấy tiền, người bán cả nhà để mua nhà nhỏ hơn dư tiền cho kinh doanh. Vậy cơ quan hoạch định chính sách phải làm gì để nhà ở xã hội đến đúng tay người xứng đáng được ở và không tạo ra một cơ hội kinh doanh cho nhà đầu tư thứ cấp?
Một thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, các văn bản, chính sách ban hành về xây nhà ở xã hội đã tính đến thực tế này và có nhiều điều khoản quy định như không được mua bán trong thời hạn 10 năm, phát hiện mua bán sẽ tịch thu nhà… Tuy nhiên, yêu cầu phải hỗ trợ trực tiếp đến người dân thì thực sự quá khó cho Bộ Xây dựng. Ông thứ trưởng giải thích: “Ở nông thôn, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ 7-8 triệu đồng là một hộ dân có thể có nhà vì hầu hết họ đã có đất, xây dựng không cần giấy phép. Còn ở vùng đô thị, thành phố thì rất khó khăn về mặt bằng”.
Đơn cử, dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ ở Hà Nội, các nhà đầu tư xây dựng xong chung cư mới, cứ nhà nào diện tích 30m2 thì được nâng lên 39m2, bàn giao cho chủ cũ. Nhà đầu tư được xây thêm các tầng để bán, thu hồi vốn nhưng cũng không đủ. Thành phố Hà Nội phải chi thêm 2.000 tỷ đồng từ ngân sách để bù. Tính ra, coi như mỗi hộ được cho 1 tỷ đồng, như vậy so với các hộ ở nông thôn được hỗ trợ liệu có công bằng hay không? Vẫn theo quan chức Bộ Xây dựng, việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua nhà là không thể thực hiện được, không chỉ vì số tiền rất lớn mà vấn đề là dù lớn cũng không đủ tài chính.
Vấn đề chính là thiếu nguồn cung. Giả dụ nhiều hộ nghèo đều được hỗ trợ 1 tỷ đồng để mua nhà nhưng nguồn cung không có, lập tức nhà có thể được mua với giá 1 tỷ đó lại tăng lên thành 1,5 tỷ đồng. Do đó, cần phải hỗ trợ doanh nghiệp và chính các nhà đầu tư mới bỏ sức tìm kiếm mặt bằng, lập dự án, có nguồn cung mới có thể giải quyết tận gốc nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay. Nếu không có chính sách giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giao đất cho doanh nghiệp thì không thể thu hút nhà đầu tư tham gia vào chương trình nhà ở xã hội và sự thất bại của chương trình này có thể trông thấy.
Một chương trình vừa đạt mục đích kích thích tăng trưởng, vừa thực hiện chính sách an sinh xã hội, được kỳ vọng là mục đích “kép”. Muốn vậy phải đi kèm với chính sách, cơ chế cụ thể.
Đan Thanh