Mưa tạnh, nước rút, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân

ANTĐ - Ngày 4-8, mưa đã ngớt, nhiều nơi hửng nắng, nước lũ rút nhanh, các địa phương bắt tay vào công tác khắc phục, dọn dẹp. Tính trong 10 ngày mưa lũ, toàn miền Bắc đã có 36 người chết và mất tích. Tỉnh Quảng Ninh vẫn là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, ước tính khoảng 2.700 tỷ đồng.
Mưa tạnh, nước rút, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân ảnh 1

Lực lượng chức năng và người dân Quảng Ninh khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử để lại

Chủ tịch nước kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 4-8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã kiểm tra tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai tại Quảng Ninh.

 Chia sẻ với những thiệt hại về người và tài sản của tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước hoan nghênh các hoạt động ứng phó kịp thời của địa phương, sự chung tay góp sức của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận giúp giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Quảng Ninh, ngành than dồn sức tập trung thực hiện khẩn trương những công việc ứng cứu người dân; đảm bảo sớm ổn định cuộc sống và duy trì sản xuất. 

Chủ tịch nước đã kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả thiên tai tại Công ty Than Núi Béo (thành phố Hạ Long) và Công ty Than Mông Dương (thành phố Cẩm Phả). Cùng ngày, Chủ tịch nước đã đến Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, thăm và trao quà cho ông Cao Văn Vỹ, là đại diện gia đình chịu thiệt hại nặng nhất tại Quảng Ninh; thăm hỏi và động viên các gia đình bị mất nhà cửa, đang sống trong khu tái định cư tại thành phố Cẩm Phả. 

Mưa ngớt, nước lũ rút nhanh

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến chiều tối 4-8, hầu hết các khu vực nước đã rút nên số lượng nhà bị ngập nước giảm đáng kể. Hiện chỉ còn một số khu vực thấp trũng cục bộ bị ngập nước (Lạng Sơn có 17 nhà; Quảng Ninh 94 nhà). Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng để giúp người dân dọn dẹp vệ sinh, sớm ổn định đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, một số tuyến quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng vẫn chưa thể thông xe như Quốc lộ 12 nối Điện Biên - Lai Châu dự kiến phải đến ngày 10-8 mới có thể thông xe trở lại. 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tại TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả đã có nắng trở lại, nước lũ đã rút, lực lượng chức năng và các hộ dân tập trung dọn dẹp sau lũ. Tại huyện Hoành Bồ, 2 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng không còn bị cô lập nhưng trung tâm xã Kỳ Thượng tới thôn Khe Tre vẫn bị cô lập cục bộ do nước tại các suối trong khu vực vẫn dâng cao. Số hộ dân di dời, sơ tán đang được ở tập trung tại các nhà văn hóa thôn được các tổ chức đoàn thể phối hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và nước sinh hoạt, cuộc sống của bà con tạm ổn định.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhanh chóng quyết định hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân sớm ổn định sản xuất. Cụ thể, mức hỗ trợ đối với gia cầm tối đa là 25.000 đồng/con; với lợn tối đa là 1,2 triệu  đồng/con; với trâu, bò, ngựa nuôi tối đa 15 triệu  đồng/con. Kinh phí hỗ trợ là từ nguồn thu ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, tỉnh cũng quyết định hỗ trợ ngành than 5 tỷ đồng để bổ sung vào Quỹ ổn định đời sống của Tập đoàn nhằm hỗ trợ cho khoảng 3 vạn công nhân trong thời gian tạm nghỉ việc chờ khắc phục hậu quả mưa lụt.

Ngay sau khi nước lũ rút tại các điểm ngập lụt, đơn vị y tế, các địa phương đã cung cấp Cloramin B cho nhân dân nhằm khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh nguồn nước phục vụ  sinh hoạt. Ngày 4-8, đường ống cấp nước D800 cho người dân TP Hạ Long và Cẩm Phả đã được nối trở lại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa có nước do còn một số đoạn ốngbị vỡ. Các địa đã phương huy động cán bộ, nhân viên của các trạm y tế xuống từng hộ hướng dẫn cách khử khuẩn nguồn nước, tích trữ, bảo quản thực phẩm an toàn, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra.

Giao thông một số tỉnh miền núi vẫn ách tắc

Tỉnh Lào Cai trong đợt mưa lũ này ước tính thiệt hại cũng lên tới 37 tỷ đồng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, mưa lũ và sạt lở đất đã làm hư hỏng ít nhất 20 nhà dân tại các huyện Sa Pa, Văn Bàn và Bắc Hà, 44 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp; một số trường, lớp học, công trình thủy lợi của các huyện Văn Bàn, Bắc Hà bị hư hỏng. Quốc lộ 279 đoạn qua xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đi Lai Châu bị ách tắc từ ngày 3, chiều 4-8 vẫn chưa thông tuyến cho phương tiện cơ giới.

Tỉnh Lai Châu hiện đang có khoảng 600 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ông Vũ Văn Luật, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Lai Châu cho biết, đợt mưa lũ lần này tỉnh Lai Châu đã di chuyển một số hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở cao tại các khu, điểm tái định cư thủy điện Lai Châu và các bản thuộc địa bàn các huyện Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè. 

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Bắc Giang đã rút lệnh BĐ số 3 trên triền sông Lục Nam, đồng thời phát lệnh BĐ số 2 trên triền sông Cầu; mực nước sông Thương tại Phủ Lạng Thương vẫn đang duy trì ở mức BĐ III. Mưa lũ những ngày qua đã làm ngập úng trên 10.332ha lúa, hoa màu, thủy sản của tỉnh Bắc Giang. Toàn tỉnh có trên 1.000 hộ dân phải di dời. 

Còn tỉnh Bắc Kạn do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, 12 hộ dân gồm 47 nhân khẩu là người dân tộc Dao ở thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì đang bị cô lập. Dự kiến phải một tuần nữa nước mới có thể rút hết. Các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã đến thăm hỏi, động viên bà con và cứu trợ bằng các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ tôm, muối, dầu thắp sáng.

Nguy cơ sự cố điện tại Điện Biên

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), ở trạm biến áp 110kV Điện Biên đã bị sạt lở đất phía ta-luy đồi. Đất lấp toàn bộ rãnh thoát nước ngoài tường rào trạm, chèn vào tường rào trạm (có chiều dài 9m, chiều cao 1m) tại vị trí xuất tuyến của 5 lộ cáp cấp điện cho: Điện lực huyện Điện Biên, Điện lực thành phố Điện Biên Phủ, nhà máy thủy điện Nà Nơi; Đẩy cáp xuất tuyến tỳ vào cạnh hào cáp và uốn cong, độ gập lớn đe dọa sự cố điện xảy ra bất cứ lúc nào. Chi nhánh Lưới điện cao thế Điện Biên đang ứng trực 24/24h và theo dõi, báo cáo tình hình diễn biến thực tế tại trạm hàng giờ để có phương án nếu xảy ra sự cố. 

Cũng theo EVNNPC, tính đến sáng 4-8, 4.810 khách hàng đã được cấp điện trở lại. Hiện còn 7.512 khách hàng thuộc các tỉnh Quảng Ninh (458 khách hàng), Bắc Giang (5.592 khách hàng), Lạng Sơn (1.080 khách hàng), Sơn La (382 khách hàng) bị mất điện do sự cố hoặc nằm trong những khu vực mưa lớn, ngập úng, sạt lở buộc ngành điện phải cắt điện để đảm bảo an toàn.