Mua suất nhà, đất dự án trên giấy: Coi chừng trắng tay

(ANTĐ) - Dự án chưa khởi công, thậm chí còn đang giai đoạn GPMB nhưng đã “được” rao bán “suất” mua đất, nhà ầm ỹ. Nhiều người không có thông tin đã đổ xô vào đặt cọc, ký hợp đồng mua đất nhà trên giấy. Không chỉ có thế, “đất lúa”, đất canh tác không giấy tờ cũng bị đem ra mua đi bán lại khiến giá bị đẩy lên hàng chục lần. Tất cả chỉ là ma trận do “cò” đất bày ra để bẫy các nhà đầu tư ham lợi.

Mua suất nhà, đất dự án trên giấy: Coi chừng trắng tay

(ANTĐ) - Dự án chưa khởi công, thậm chí còn đang giai đoạn GPMB nhưng đã “được” rao bán “suất” mua đất, nhà ầm ỹ. Nhiều người không có thông tin đã đổ xô vào đặt cọc, ký hợp đồng mua đất nhà trên giấy. Không chỉ có thế, “đất lúa”, đất canh tác không giấy tờ cũng bị đem ra mua đi bán lại khiến giá bị đẩy lên hàng chục lần. Tất cả chỉ là ma trận do “cò” đất bày ra để bẫy các nhà đầu tư ham lợi.

Kỳ I: Công anh bắt tép nuôi “cò”

Đất nông nghiệp ở Hà Tây có giá gấp 4-5 lần giá đất nông nghiệp Hà Nội
Đất nông nghiệp ở Hà Tây có giá gấp 4-5 lần giá đất nông nghiệp Hà Nội

Nhộn nhịp “săn” suất dự án

Theo ông Nguyễn Văn Triển, nhân viên một Trung tâm môi giới nhà đất thuộc huyện lỵ Đan Phượng, cách đây vài năm, so với khu vực trục đường Nguyễn Trãi và thành phố Hà Đông, thị trường nhà đất quanh trục đường 32 và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài không sôi động bằng.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2008 trở lại đây, trong khi khu vực thành phố Hà Đông giao dịch đã chững lại, một số nơi giá đất giảm nhẹ thì sức nóng lại lan tỏa trên trục quốc lộ 32 và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài.

Cùng với thông tin sắp mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, giá đất khu vực này nóng lên mỗi ngày. Tại mặt đường 32, đoạn qua huyện Đan Phượng, giá đất từ 10-15 triệu đồng/m2 giờ đã tăng gấp 2-3, lên tới 25-30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, “đắt” khách nhất vẫn là một số dự án khu đô thị nằm dọc quốc lộ 32 đang trong quá trình mở rộng.

Khách tìm hỏi đất khu đô thị được các trung tâm môi giới nhà đất chào bán nhiệt tình: suất nhà vườn, biệt thự cao cấp: 150m2, 200m2, giá 12-18 triệu đồng/m2; suất chung cư 6-8 triệu đồng/m2...

Tương tự, khu đô thị mới Dương Nội (Hà Tây) chưa làm lễ khởi công nhưng đã được rao bán với giá 14 - 15 triệu đồng/m2 trên khắp các trang rao vặt, trên mạng Internet khiến chủ đầu tư phát hoảng.

Nhiều lời mời chào còn mang đầy tính hối thúc như: “Hiện chúng tôi đang có suất mua biệt thự tại dự án Dương Nội có nhu cầu muốn bán lại gấp với diện tích đất là 250m2, đường rộng 40m2; hướng Đông Nam, đã nộp hợp đồng góp vốn là 500 triệu đồng, vào tên cho khách; giá: 22,5 triệu đồng/m2, liên lạc số điện thoại 098913...”

Để đảm bảo cho việc thực hiện các giao dịch... trong tương lai, các trung tâm môi giới yêu cầu khách hàng đặt hàng trăm triệu đồng tiền cọc và tiền “vênh” mua suất đất, nhà. Khi chủ đầu tư có hợp đồng chính thức, sẽ vào thẳng tên người đặt cọc.

Trường hợp đã đặt cọc nhưng không mua, khách hàng sẽ bị mất tiền cọc. Nếu công ty môi giới không ký được hợp đồng (với chủ đầu tư), sẽ hoàn lại toàn bộ tiền và phải chịu phạt số tiền tương đương (!?)

Theo một cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội, pháp luật đất đai, xây dựng hiện hành không cho phép phân lô, bán nền. Bên cạnh đó, pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng chỉ cho phép chủ đầu tư huy động vốn sau khi đã triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, một số chủ đầu tư lại “lách luật”, tìm cách huy động vốn bằng việc thông qua các công ty môi giới để ký “hợp đồng góp vốn”. Đây cũng là một dạng bán suất và hợp đồng chuyển nhượng chính thức sẽ được ký kết trong tương lai sau khi các hạng mục hạ tầng đã hoàn thành. Đương nhiên, tới lượt mình, các công ty môi giới sẽ không chịu ngồi yên mà tiếp tục “huy động vốn” từ các khách hàng có nhu cầu. Càng tìm được nhiều khách hàng, các công ty này sẽ chiếm dụng được càng nhiều vốn và đương nhiên thành công trong chiêu “tay không bắt giặc”.

Đất trồng lúa cũng bị “săn”

Không chỉ có suất nhà đất dự án bị săn đuổi mà ở Hà Tây, đất nông nghiệp, đất trồng lúa còn bị tìm mua ráo riết hơn. Đương nhiên, đất này nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng các dự án khu đô thị mới chứ không phải đất sản xuất nông nghiệp thuần chất.

Tại huyện Đan Phượng và khu vực xung quanh thành phố Hà Đông, giao dịch mua đi bán lại đất nông nghiệp rất sôi động từ hơn một năm nay.

Giá “đất trồng lúa” trên thị trường chợ đen được đẩy lên từng ngày. Khảo sát tại huyện Đan Phượng cho thấy, từ chỗ chỉ vài chục nghìn đồng/m2, đến đầu tháng 4-2008, giá “đất trồng lúa” vọt lên 300.000-400.000 đồng/m2.

Thậm chí, có những vị trí được đòi giá 500.000 đồng/m2 nghĩa là khoảng 180 triệu đồng/sào đất, một mức giá không tưởng vì chỉ nay mai, toàn bộ các diện tích đất này sẽ bị thu hồi và ở ngay thời điểm hiện tại, cũng chẳng mấy người nghĩ đến chuyện canh tác trên những thửa đất đó.

Tuy nhiên, chủ sử dụng đích thực của các diện tích đất này là những người nông dân lại chẳng được nhiều lợi lộc vì thực tế hầu hết đã bán “lúa non” từ khi giá còn rất thấp.

Lý giải nguyên nhân “sốt” “đất trồng lúa” ở Hà Tây, một chủ đầu tư khu đô thị (xin được giấu tên) cho biết, toàn bộ biến động thị trường đất ở Hà Tây là do “cò” đất gây náo loạn.

Ông này cho biết: “Nghe phong thanh về việc sau khi thu hồi đất làm khu đô thị, ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người bị thu hồi sẽ được đền bù bằng 10% đất dịch vụ. Chẳng hạn, nếu bị thu 10 sào “đất trồng lúa” thì vẫn giữ được 1 sào đất dịch vụ.

Chưa rõ “mặt mũi” đất dịch vụ ở đâu song “cò” ôm được đất rồi thì phao tin khắp nơi là đất dịch vụ ở khu nọ, khu kia, toàn vị trí mặt đường, một m2 có giá vài chục triệu... khiến dư luận xôn xao, đổ xô vào tìm mua khiến giá leo thang từng ngày...”.

Trả lời câu hỏi vậy lợi nhuận ở đâu, dựa vào cái gì mà các nhà đầu tư ở Hà Nội vẫn ùn ùn đổ vào Hà Tây để “săn” “đất trồng lúa”, vị này cho biết: “Họ tính thế này, tổng cộng cả tiền bồi thường, tiền đất dịch vụ, giá trị mỗi m2 “đất trồng lúa” sẽ có giá khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng.

Đây là mức bồi thường rất cao vì đất nông nghiệp ở Hà Nội nơi cao nhất cũng chỉ xấp xỉ 250.000đồng/m2. Thế thì bỏ ra 400.000 hay 500.000/m2 là lãi gấp đôi còn gì! Chết cái là đó mới là đếm cua trong lỗ chứ nếu không chuyển đổi được chủ sử dụng thì có khi lại lỗ quá nửa...”.

(Còn nữa)

Chính Trung