Các tỉnh miền núi phía Bắc:
Mưa lũ lớn gây thiệt hại nặng nề
Tại Bắc Giang đã có 9 người chết, 8 người bị thương, 320 căn nhà bị sập hoàn toàn và 11.220 ha lúa, hoa màu chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng... do ảnh hưởng của cơn bão số 6, tổng thiệt hại ước tính trên 500 tỷ đồng.
Hiện nay, mưa đã giảm dần, nước lũ trên hai địa bàn huyện Sơn Động, Lục Ngạn đang rút dần và dồn về các huyện Lục Nam, Yên Dũng. Nước lũ đã làm cho 7 xã của huyện Lục Nam ngập sâu 1,5 m và bị cô lập hoàn toàn.
Tuyến đê ở xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng đã bị tràn 3 km gây ngập úng toàn bộ xã Lãng Sơn; đê bối xã Trí Yên (cùng huyện Yên Dũng) cũng đã bị vỡ 50 m. ở huyện Yên Thế nước đã dâng ngập 6 xã, gây ngập úng 500 ha lúa và hoa màu.
Hiện vẫn còn 10 xã ở huyện Sơn Động và 8 xã, thị trấn ở huyện Lục Ngạn bị cô lập, chia cắt. Trong các ngày 26, 27-9, toàn tỉnh đã có thêm 1 cầu cứng bị thiệt hại nặng, 4 đập bị vỡ và nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, mực nước sông Lục Nam, sông Cầu và sông Thương sẽ tiếp tục lên đến mức đỉnh điểm. Tại huyện Lục Nam sẽ lên ở mức 8 m (trên báo động 3 là 2,2 m) tương đương với mức lũ lịch sử tháng 7-1986.
Nước lũ gây ngập tại Ba Chẽ (Quảng Ninh) |
Tại Phủ Lạng Thương là 6,5m, trên mức báo động số 3 là 0,7 m; tại Đáp Cầu là 5,8 m, ở mức báo động 3. Tỉnh Bắc Giang vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó tập trung cao nhất cho việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu trợ cứu nạn nhân dân vùng lũ, nhất là ở Lục Nam, nơi lũ đang lên đến đỉnh điểm và ở các xã thuộc huyện Lục Ngạn, Sơn Động vẫn bị cô lập, chia cắt.
Tại Quảng Ninh, trận lụt lớn do mưa kéo dài vào đêm 25 rạng sáng 26-9 đã gây thiệt hại nặng nề cho các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu. Theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đến ngày 27-9, tại huyện Bình Liêu có 1 người ở xã Đồng Văn bị lũ cuốn mất tích, 4 người ở xã Húc Động bị nhà sập gây thiệt mạng; tại huyện Ba Chẽ, Phó ban Tổ chức Huyện ủy bị thương rất nặng trong khi đi cứu hộ.
Đến nay, nước lũ đã rút nên các lực lượng chức năng đã có thể đến được các xã của huyện Tiên Yên. Tuy nhiên, huyện Bình Liêu và 5 xã thuộc huyện Ba Chẽ vẫn chưa liên lạc được do mất hệ thống thông tin liên lạc và sạt lở đường.
Ước tính ban đầu, tại huyện Ba Chẽ có 16 nhà bị cuốn trôi, 6 nhà sập đổ, toàn bộ đường bị ngập trong bùn nước, nhiều tuyến bị sạt lở. Huyện Tiên Yên có 2.800 ngôi nhà bị ngập úng, 250 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi, 2 cầu treo ở xã Phong Dụ và Yên Than cũng bị lũ cuốn trôi; 600 ha lúa bị ngập úng (150 ha bị mất trắng hoàn toàn), gần 1.000 ha đầm thủy sản bị ngập úng. Thiệt hại ban đầu chỉ tính riêng các công trình thủy lợi đã lên đến hơn 180 tỷ đồng.
Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương tìm mọi phương tiện để đưa hàng cứu trợ đến với các khu vực còn đang bị cô lập. Tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dành 10 tỷ đồng để hỗ trợ cho các huyện khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Tính đến ngày 27-9, tỉnh Sơn La đã có 15 người chết và mất tích, 18 người bị thương nặng do mưa lũ. Nạn nhân mới được thống kê thêm là ông Lành Văn Giót (45 tuổi) ở bản Sao Và, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã bị nước lũ cuốn trôi khi đang bẻ ngô trên nương, đến nay mới tìm thấy xác.
Tại xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên, một em học sinh mẫu giáo (5 tuổi) chưa rõ danh tính ở bản Suối Ngang trên đường đi học về bị trượt chân ngã chết đuối dưới ao. Tại bản Luồn, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn có thêm 1 người bị nước lũ cuốn trôi chưa tìm thấy xác.
Một công nhân của thủy điện Nậm Chiến, huyện Mường La cũng bị lũ cuốn trôi, hiện đã tìm thấy xác. Tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (huyện Mai Sơn), nước lũ làm chập cháy toàn bộ hệ thống điện của nhà máy sản xuất đường, cuốn trôi toàn bộ thiết bị vật tư, hóa chất, nguyên liệu sản xuất vi sinh và tường bao. Hơn 800 ha mía của người nông dân ở các xã của huyện Mai Sơn cũng bị vùi lấp, cuốn trôi, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
(Theo TTXVN)