Một miền non nước hữu tình...
(ANTĐ) - Một lễ hội du lịch với tên gọi Ninh Bình non nước hữu tình khai mạc đêm 9-4 kỷ niệm 1040 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế và hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, như một hồi trống khai mở thời kỳ mới, rực rỡ của du lịch miền đất cố đô lịch sử…
Sự kiện du lịch Ninh Bình là một mốc quan trọng để đưa hình ảnh non nước Ninh Bình với nhiều danh thắng kỳ quan đến với du khách trong nước và quốc tế...
Trong tâm thức của tôi, Ninh Bình từ lâu mang dấu ấn sâu đậm về một vùng đất nước non kỳ thú và văn hiến nghìn năm. Mỗi lần đặt chân về đây là thêm một lần hiểu biết văn hóa bởi đất này có quá nhiều danh lam, cổ tự và những câu chuyện huyền bí được kể qua hàng nghìn năm... Đất ấy phải và chỉ có thể làm giàu bằng du lịch. Tiếc là của giời cho mà chỉ thấy để dành... Mỗi lần thấy đá núi bị nổ đem nung vôi, chạy nhà máy xi măng lòng du khách lại như héo hon vì tiếc. Một ngọn núi đẹp như hòn non bộ giá không tính bằng tiền được bởi công lao tạo dựng hàng chục hàng trăm triệu năm mới có từ bàn tay thiên nhiên. Bao nhiêu hang động núi non là bấy nhiêu tuyệt tác ...
Ông Chánh văn phòng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Bình thổ lộ: “Dăm năm lại đây tỉnh Ninh Bình ngộ ra rằng mình đang sống trên đống vàng tạo hóa ban cho mà để hoang phí. Nhiều năm nay người Ninh Bình xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế nhưng rồi bây giờ mới là dịp đột phá khi đã hội đủ điều kiện để ngành công nghiệp không khói khởi sắc. Một quy hoạch thành phố du lịch Hoa Lư tầm vóc quốc gia cùng hàng chục dự án đầu tư du lịch giá trị lên đến 3,2 nghìn tỷ đồng là cú hích lớn để vùng đất này tìm lại chính mình... Mười lăm năm trăn trở tìm tòi từ ngày tách tỉnh đến hôm nay đã không uổng phí. Lãnh đạo quyết tâm, ngành du lịch vào cuộc học hỏi, nỗ lực đi lên bắt đầu từ tiềm năng và ý chí của cả cộng đồng”.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình nhiều danh lam thắng cảnh, cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Ong, Khu non nước hang động Tràng an, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm… Những di tích danh thắng đã tạo điều kiện để Ninh Bình phát triển du lịch với nhiều hình thức như du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh lễ hội, lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…
Phát triển du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, từng bước đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, có cơ sở hạ tầng phát triển, nhiều loại hình và sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Ninh Bình tự hào là vùng đất từng là kinh đô của ba vương triều vào cuối thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XI. Miền đất đã tạo nên những danh nhân lịch sử làm rạng rỡ non sông đất nước.
Vốn ở đời, các minh vương lấy sơn hà xã tắc làm mục địch trì vì đất nước thì khi quốc sự bất an đã tìm chốn núi non mà dựng nghiệp mong bảo toàn lực lượng. Rồi khi thái bình thịnh trị thì tìm nơi đô hội núi rộng sông dài để định đô mở mang bờ cõi. Thái tổ Lý Công Uẩn cũng vì lẽ đó mà xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long dựng nghiệp ở nơi “rồng cuộn hổ ngồi”... Có lẽ Ninh Bình là nơi duy nhất có vua làm sư và có sư làm vua là Lý Công Uẩn. Trải bao thăng trầm lịch sử, cho đến hôm nay sau gần 1.000 năm Hoa Lư vẫn còn dấu tích của một cố đô từng lẫy lừng một thuở.
Thiên nhiên cũng đã cùng con người tạo nên nhiều di tích danh thắng để hôm nay triệu người về đây chiêm ngưỡng, hành hương tìm lại lịch sử nguồn cội… Khu đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành vẫn còn đó, ngót nghìn năm ấm dấu chân người hành hương ngưỡng vọng tiền nhân… Tam Cốc - Bích Động, nơi được xem là một Hạ Long trên cạn, không mênh mông sóng nước nhưng sơn thủy vẫn xiết bao hữu tình. Vẫn núi vẫn non đấy mà đẹp như là thủy mặc, khen cho thiên nhiên khéo tạo tác từ triệu năm để nay làm say lòng du khách bốn phương.
Non nước thì vẫn non nước ấy bao đời. Nhưng rồi đến một ngày người Ninh Bình chợt phát hiện ra sự lãng phí khi danh thắng bị bỏ hoang, bị phung phí… Thì ra cái khó đôi khi bó cái khôn. Thấy tiềm năng đấy mà chưa có điều kiện khai thác, chưa thể đầu tư tiền của để phát huy giá trị danh thắng. Bây giờ thì người Ninh Bình đã biết đi lên từ du lịch. Ai về Tam Cốc ngày cách nay mươi, mười lăm năm trước vẫn thấy có người dân thiếu thốn, vẫn còn cảnh đi đào củ sắn củ mài. Bây giờ cuộc sống người dân Tam Cốc đã khác nhiều.
Cả làng làm dịch vụ du lịch: chèo đò đưa du khách thăm Tam Cốc - Bích Động, hang động Tràng An, hay phát triển nghề thêu ren làm quà lưu niệm… Bây giờ nhờ du lịch, người Tam Cốc giàu nhất nhì tỉnh. Có đầu tư hạ tầng, có quy hoạch khai thác thì hình như mọi nẻo đường nơi đây đều có thể làm du lịch. Nói thế để biết rằng, thiên nhiên không ưu ái ban cho đồng đất phì nhiêu thì ban tặng người Ninh Bình núi non tuyệt đẹp. Của trời cho đấy, nếu biết khai thác thì Ninh Bình sẽ giàu có nhờ du lịch nay mai…
Vận hội lớn, nhưng không phải không có những thách thức. Việc khai thác sản phẩm du lịch cần đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả cao đang đặt ra bài toán cho du lịch nơi đây. Tiềm năng ấy, danh thắng, vẻ đẹp lịch sử và sản phẩm nhiều nhưng làm sao giữ chân du khách khi thành phố Ninh Bình nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam? Hy vọng người Ninh Bình đến một ngày có lời giải cho bài toán kinh tế du lịch để phát huy giá trị một vùng “non nước hữu tình” làm giàu đẹp quê hương…
Tân Linh