Một làng đạo - đời bền chặt nghĩa tình

ANTĐ - Xa xưa, giữa bãi sông Hồng, gần làng Mộc Hoàn có dải phù sa dài rộng hàng ngàn mẫu ta. Người Mộc Hoàn gieo lúa mộ, trồng màu lập ấp thành làng mới tên gọi Tràng Châu (còn có tên là Mộc Bãi)...

Một làng đạo - đời bền chặt nghĩa tình ảnh 1Thiếu tướng Lưu Quang Hợi - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cùng đoàn công tác Báo ANTĐ 
trao quà tặng gia đình chị Tuyên (ở xóm chài Tân Tiến, Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội) chiều 25-1-2013

Tiếng chuông nhà thờ hòa tiếng chuông chùa 

Thuở ấy, cá Anh Vũ từ thượng nguồn sông Lô, sông Chảy xuôi dòng vật đẻ ở ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì. Cá Mòi, cá Cháy từ Biển Đông đàn đàn, lũ lũ ngược lên tận thác Bờ, sông Đà vào tiết Giêng Hai. Người Kiều Mộc cấy lúa nước trên ruộng, làm màu trên bãi sa bồi và xuống sông đánh bắt cá trên những con thuyền vỏ gỗ, hay đan bằng tre nứa. Cũng trên những con thuyền ấy, người Kiều Mộc lên tận Yên Bái, Lào Cai, Thác Bờ, sông Đà đánh bắt cá. Dần dà, họ ở hẳn trên sông lập nên phường Vạn Chài (sách xưa gọi là phường Mộc Hoàn) sống trên sông nước Lô Giang, Hồng Giang, Đà Giang.

Thời Lê - Nguyễn, Tổng Kiều Mộc (Mộc Hoàn) bao gồm làng Tràng Châu (nay là xã Tân Đức - TP Việt Trì - Phú Thọ), làng Mộc Hoàn, phường Vạn Chài (phường Mộc Hoàn), làng Cổ Đô, làng U Chu và làng Viên Châu. Ngày nay, do sự điều chỉnh về địa giới hành chính, Kiều Mộc hiện tại chỉ là một thôn nhỏ thuộc xã Cổ Đô - huyện Ba Vì - TP Hà Nội. Dù chỉ có 260 hộ với khoảng 1.400 khẩu nhưng làng Kiều Mộc hôm nay vẫn lưu giữ những di sản văn hóa độc đáo cùng hàng chục sắc phong từ thời Lê - Nguyễn.

Quần thể đình - chùa - miếu của làng được xếp hạng di tích lịch sử từ năm 2000. Kiều Mộc thờ Thành Hoàng làng là Thủy Tộc Tông Phái Tối Linh Đại Vương húy Ốc Lang, là một trong 50 người con của Thủy tổ Lạc Long Quân cai quản vùng sông nước từ hồ Động Đình đến 

Biển Đông.

Trong quá trình đi xuôi về ngược đánh bắt thủy sản, bà con Vạn Chài đã tiếp nhận đạo Thiên Chúa. Năm 1928, các con chiên xây dựng nhà thờ với tháp chuông cao vút ngay giữa làng Kiều Mộc. Họ đạo Kiều Mộc thuộc về Giáo phận Hưng Hóa coi sóc.

Do khởi thủy cùng chung một làng Mộc Hoàn xưa nên người công giáo Vạn Chài, người bên đời, bên đạo Tràng Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) khi nhắm mắt xuôi tay lại đưa về án táng tại nghĩa trang Quán Trắng - Kiều Mộc. 

Ở Kiều Mộc, cùng chung một họ có nhà theo công giáo, có nhà lương. Trái gái bên đạo, bên đời nên duyên chồng vợ, kết mối thông gia, hiếu hỷ có nhau là lẽ tự nhiên có từ thời ông, bà, cụ kỵ. Tục thờ cúng tổ tiên, ngày Tết, ngày Chạp, bên đạo, bên đời vẫn theo nếp cũ. Có khác chăng, bên đạo tụng kinh Chúa, bên đời niệm phật Di Đà khi cúng giỗ.

Theo nhịp thời gian tiếng chuông nhà thờ hòa tiếng chuông chùa ngân vọng nhắc người ở xa nhớ về làng Kiều Mộc đạo - đời yên ả, thanh bình.

Đoàn kết tạo ấm no

Vào những năm cuối của thế kỷ 20, phong trào điện - đường - trường - trạm là mục tiêu để mọi xã, thôn phấn đấu xây dựng. Kiều Mộc là đơn vị hoàn thành xuất sắc của huyện Ba Vì. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, với sự lãnh đạo của chi bộ thôn cùng các tổ chức chính trị xã hội khác, Kiều Mộc đã khéo khơi gợi, quy tụ, tập trung nguồn lực trong xóm, ngoài làng nhằm thực hiện nhanh gọn các mục tiêu đề ra. Từ tình cảm hướng về quê hương, họ đạo Kiều Mộc đã quyên tiền cứng hóa (bê tông) trục đường từ dốc chợ ra đến Quán Trắng của làng dài 1.300 m. Nhà trẻ “Sao Mai” do họ Vũ - Kiều Mộc bỏ công, bỏ của xây dựng cho con em Kiều Mộc - là những nghĩa cử tốt đẹp của tình đoàn kết.

Còn nhớ đợt mưa lũ lịch sử năm 2008, cả vùng đồng trũng Cổ Đô ngập trắng nước, khu nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con Kiều Mộc có nguy cơ mất trắng. Người Kiều Mộc cùng nhau kéo ra đồng giúp các hộ nuôi trồng thủy sản ngăn đắp bờ vây, chạy lợn, chuyển gà về làng chạy lũ.

Anh Giu se Nguyễn Văn Tường còn nhắc mãi nghĩa cử của bà con bên lương, bên giáo giúp vợ chồng anh chuyển hàng chục con lợn, mấy trăm con gà thoát dòng nước lụt năm nào.

 Năm 2012, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Cổ Đô được triển khai, Kiều Mộc là thôn hoàn thành nhanh và triệt để nhất. Công việc dồn điền đổi thửa là khâu khá nhạy cảm và còn ách tắc ở một vài địa phương nhưng Kiều Mộc, với tinh thần dân chủ, công tâm, thấu tình, đạt lý nên việc này diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Người nông dân Kiều Mộc hôm nay phấn khởi khi đứng trước lô ruộng vuông bờ mà mình làm chủ lâu dài. Đồng đất Kiều Mộc hôm nay có vùng chuyên canh lúa nước, có khu nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình sản xuất lớn tiên tiến khoa học.

Đã qua rồi mục tiêu ăn no, mặc ấm, người Kiều Mộc hôm nay đang phấn đấu cho nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp. 100% nhà ở của người dân là nhà  xây gạch, trong đó có 50-60% là nhà 2-3 tầng kiên cố kiểu biệt thự với tường bao quanh, cùng vườn rau sạch, vườn cây ăn quả xum xuê, nội thất trong gia đình chẳng thua kém gì các hộ trung lưu ngoài thành phố với tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, sập gụ, tủ chè… Có gia đình còn mua được xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại.

Quỹ khuyến học của làng được duy trì phát triển từ hơn 20 năm nay là nguồn động viên khuyến khích các cháu chăm ngoan học giỏi. Năm 2014, làng có cháu Nguyễn Thanh Hà thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân đạt 28/30 điểm - là thành tích cao nhất trong các thí sinh thi vào đại học năm 2014 ở huyện Ba Vì. Kiều Mộc luôn giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa qua các lần khảo sát, đánh giá của cơ quan hữu quan. Người Kiều Mộc tự hào là một làng nhỏ nhưng có 2 cấp tướng cùng hàng chục tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, bác sỹ đang công tác trên mọi miền Tổ quốc.

Bà Lưu Thị Thắng - Trưởng thôn Kiều Mộc tự hào nói: “Làng Kiều Mộc gồm cả bên giáo, bên lương nhưng luôn sống đoàn kết, chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Làng có những gia đình tiêu biểu, tứ đại đồng đường như gia đình cụ Phước, cụ Tiến… Các cụ khỏe mạnh, con cháu hiếu thảo, thành đạt là tấm gương tốt cho làng xóm noi theo. Bên cạnh việc động viên cháu con công tác tiến bộ, các cụ còn khuyến khích người thân tích cực tham gia việc xóm, việc làng, đóng góp nhiều cho quỹ khuyến học, quỹ phúc lợi của làng.  Đấy là nguồn động viên thúc giục cộng đồng lương giáo đoàn kết chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng Kiều Mộc ngày càng giàu đẹp”.

Làng Kiều Mộc là làng lương giáo mộc mạc nghĩa tình. Đó là bản sắc của làng từ xưa, để người phương xa nhắc về Kiều Mộc, nhớ người Kiều Mộc...