Mong người dân hiến kế xử lý đường hằn lún

ANTĐ - Phí đường bộ, hằn lún mặt đường đã và đang làm nóng dư luận cùng nghị trường Quốc hội những ngày qua. Xung quanh những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Mong người dân hiến kế xử lý đường hằn lún ảnh 1

- PV: Từ năm 2013, người dân đã phải đóng phí bảo trì đường bộ thông qua Quỹ bảo trì, tuy nhiên các trạm thu phí BOT “mọc” lên rất nhiều, vậy có phí chồng phí?

- Bộ trưởng Bộ GTVT    Đinh La Thăng: Theo quy định phí bảo trì thu trên đầu phương tiện dùng để bảo trì cho hệ thống đường quốc lộ và đường địa phương được đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước, còn phí thu qua trạm BOT dùng để hoàn vốn và bảo trì toàn bộ phần đường thuộc dự án BOT. Như vậy, không có việc phí chồng phí.

Mỗi năm cần khoảng 14.000 tỷ đồng để bảo trì khoảng 20.000 km quốc lộ. Trong khi nguồn thu phí bảo trì từ đầu phương tiện hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 21% nhu cầu, ngân sách Nhà nước cấp bổ sung được khoảng 22%. Hàng năm, quỹ bảo trì đường bộ vẫn còn thiếu khoảng 57% kinh phí. 

Đối với các dự án BOT, tiền thu phí dùng để hoàn vốn đầu tư và bảo trì công trình. Nhờ đó góp phần làm giảm gánh nặng bảo trì hàng năm cho nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

- Hiện một số trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách 70km, như trạm thu phí hầm Đèo Ngang, vậy Bộ GTVT sẽ xử lý như thế nào thưa Bộ trưởng?

- Chúng tôi đang rà soát toàn bộ các trạm thu phí. Theo kết quả sơ bộ, hiện nay trên các tuyến quốc lộ có 45 trạm thu phí đang thu; trong đó có 10 trạm khoảng cách nhỏ hơn 70km. Đối với các trạm này, hướng xử lý triệt để là Nhà nước mua lại và xóa bỏ hoặc dịch chuyển về vị trí hợp lý nếu có thể. 

Tuy nhiên, để xử lý vấn đề này cần căn cứ vào các điều khoản trong Hợp đồng và quy định của Luật dân sự, theo đó cần có sự thỏa thuận của 2 bên là Nhà nước và nhà đầu tư. Cụ thể đối với trạm thu phí hầm Đèo Ngang, Bộ GTVT đang thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư để xóa bỏ trạm Đèo Ngang.

Mong người dân hiến kế xử lý đường hằn lún ảnh 2Do nắng nóng kéo dài nên tại một số đoạn trên tuyến QL 1 đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe

- Tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên tuyến quốc lộ 1A đang “nóng” dù nhiều đoạn vừa mới đưa vào khai thác, Bộ GTVT nhìn nhận như thế nào về tình trạng này?

- Xử lý hằn lún vệt bánh xe là vấn đề rất khó khăn của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Hiện tượng này đã xuất hiện cách đây khoảng 2 năm, không chỉ các dự án do nhà thầu Việt Nam thi công mới bị hằn lún, có nhiều dự án được thiết kế, giám sát và thi công bởi các nhà thầu Nhật Bản vẫn bị hằn lún. 

Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước, cả chuyên gia nước ngoài trong đó có chuyên gia Mỹ và Nhật Bản để nghiên cứu nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Một số nguyên nhân chính các nhà khoa học đưa ra là do nhiệt độ cao bất thường, hiện tượng quá tải và tính chất cơ lý của nhựa đường. 

Mặc dù xe quá tải đã được siết chặt nhưng đây vẫn là vấn đề nan giải. Đối với nhựa đường và nhiệt độ, nhiều nhà đầu tư đã chủ động tự bỏ kinh phí thay thế nhựa đường thông thường bằng nhựa đường Polymer.  Chủ đầu tư và nhà thầu đã làm rất nghiêm túc tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào khai thác hiện tượng hằn lún vẫn xuất hiện. Đây là vấn đề đau đầu của ngành GTVT suốt nhiều năm qua và rất mong nhận được sự chia sẻ, tham gia đóng góp của người dân và đặc biệt là các nhà khoa học để tìm ra giải pháp xử lý. 

Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp như quản lý chặt chẽ chất lượng vật liệu; kiểm soát quá trình thi công của nhà đầu tư và nhà thầu thi công; hướng dẫn điều chỉnh thiết kế cấp phối, thay đổi công nghệ sản xuất đá để hạn chế tối đa hiện tượng hằn lún; tăng thời gian bảo hành từ 1 năm thành 4 năm.

- Theo Bộ trưởng, có phải việc hằn lún có yếu tố do nhà đầu tư và nhà thầu thi công không đảm bảo?

- Thực tế, tất cả các nhà đầu tư đều không muốn xảy ra hằn lún vì họ phải trả giá rất đắt: Nếu đường bị hằn lún nhà đầu tư sẽ không được thu phí cho đến khi khắc phục xong, trong khi họ phải chịu lãi của khoản vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng. Mặt khác toàn bộ chi phí sửa chữa hằn lún này do nhà đầu tư tự bỏ ra, không được đưa vào giá trị quyết toán dự án. 

Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ chi phí thuê các chuyên gia hoặc mua các công nghệ để giải quyết việc hằn lún nhưng thực tế vẫn chưa giải quyết được một cách triệt để.