"Mong Hà Nội là đầu tầu kéo du lịch cả nước phát triển"

ANTD.VN - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn mong muốn du lịch Hà Nội sẽ đóng vai trò đầu tàu kéo sự phát triển du lịch chung của cả nước và đến năm 2020, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Chiều 3-3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, UBND thành phố Hà Nội cùng Sở Du lịch tổ chức Hội nghị Quán triệt, phổ biến nội dung Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn mong muốn Hà Nội sẽ là đầu tàu kéo du lịch cả nước phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngay từ năm 2001, tư tưởng phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn đã được định hình, trở thành quan điểm chỉ đạo. Tuy nhiên suốt 16 năm qua du lịch có phát triển nhưng loay hoay mãi mà không “nhọn” được.

“Vì vậy, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị có thể xem là “văn kiện lịch sử”, mở ra những hướng đi căn cơ và bền vững cho du lịch Việt Nam. Cùng với đó, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ ngành, đặc biệt là sự năng động của các địa phương, doanh nghiệp đã tạo ra khuynh hướng mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển du lịch”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh. 

"Mong Hà Nội là đầu tầu kéo du lịch cả nước phát triển" ảnh 2

Du lịch Hà Nội phấn đấu thu hút 23,61 triệu lượt khách trong năm 2017

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đánh giá sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. 

Tuy nhiên ngành du lịch vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Nghị quyết cho rằng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn mong muốn du lịch Hà Nội sẽ đóng vai trò đầu tầu kéo sự phát triển du lịch chung của cả nước và đến năm 2020, du lịch sẽ thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế của Thủ đô. 

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng nói về du lịch thông minh

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Hà Nội đã có chiến lược tuyên truyền và quảng bá hình ảnh để phát triển du lịch, đồng thời phấn đấu là thành phố tiên phong cả nước làm du lịch thông minh.

“Bản thân Sở Du lịch sẽ mẫu mực trong việc số hóa tổ chức, có bản đồ cán bộ Sở quy định người nào phụ trách mảng việc nào, từ đây liên kết tới các sở, ngành, quận, huyện và các tỉnh thành phố như thế nào được phân công phân nhiệm rõ ràng, bài bản và có tiến độ cụ thể”, ông Đỗ Đình Hồng nói. 

Theo kế hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2017 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ký ngày 23-2-2017, chỉ tiêu đặt ra là phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 23,61 triệu lượt khách (tăng 8% so với năm 2016) bao gồm 4,3 triệu lượt khách quốc tế; 80 khách sạn được công nhận hạng từ 3-5 sao (tăng 8,4%); công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 58-60%, tổng thu từ khách du lịch đạt 66.611 tỷ đồng (tăng 8%); đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch đạt 65%.

Kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường; rà soát, bổ sung quy hoạch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xâu dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, liên kết phát triển du lịch.