Môn Lịch sử: Tích hợp ở tiểu học, giữ nguyên ở THPT

ANTĐ - Ngày 8-12, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Môn Lịch sử: Tích hợp ở tiểu học, giữ nguyên ở THPT  ảnh 1Lịch sử là môn học bắt buộc ở các cấp học

Bỏ môn KHXH và Công dân với Tổ quốc

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, ngày 7-12, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có những ý kiến thống nhất ban đầu về quan điểm xây dựng môn Lịch sử. Nội dung được thống nhất cao là Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong chương trình phổ thông và là nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh từ tiểu học lên THPT.

Theo đó, ở bậc tiểu học, Lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng với một số ngành khoa học khác, chủ yếu giáo dục lịch sử thông qua các câu chuyện để tạo hứng thú và hiểu biết cho học sinh. Thay đổi lớn diễn ra ở bậc THCS. Trong đó, Lịch sử và Địa lí sẽ không còn tích hợp thành môn KHXH như trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Các ý kiến đều thống nhất, môn KHXH hiện nay không còn phù hợp vì nếu gọi là môn KHXH thì phải bao gồm cả lịch sử, địa lý, kinh tế, luật pháp, chính trị… Đối với bậc THCS, hiện hai phương án được đặt ra: Một là để Lịch sử và Địa lí là hai môn học độc lập, viết thêm phần tích hợp kiến thức giữa hai môn này để học sinh phát triển khả năng tổng hợp, như vậy sẽ cần tới 3 cuốn sách. Hai là tích hợp thành môn Lịch sử-Địa lí, gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, những phần kiến thức có liên quan sẽ tạo thành các chuyên đề liên môn, học sinh sẽ chỉ có 1 cuốn sách.

Ở bậc THPT, Lịch sử vẫn là nội dung bắt buộc, không tích hợp nội dung giáo dục Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc. Phương án được đưa ra là sẽ có 2 cuốn Lịch sử. Một cuốn dành cho học sinh chọn Lịch sử để thi đại học, sẽ bao gồm kiến thức lịch sử nâng cao. Cuốn thứ hai dành cho học sinh không thi đại học môn Lịch sử nhưng vẫn phải bắt buộc học môn Lịch sử với kiến thức ở mức cơ bản. Điều này đảm bảo tất cả học sinh sẽ học Lịch sử nhưng ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chưa đưa ra ý kiến về việc xây dựng môn Lịch sử theo hướng nào.

Chương trình tổng thể sẽ phải chỉnh sửa

Mặc dù đã thống nhất về cơ bản nhưng việc đưa môn  Lịch sử thành môn học độc lập trong toàn bộ chương trình hay được tích hợp với một hoặc một vài môn học khác vẫn đang tiếp tục phải thảo luận.

Theo GS. Trần Thị Vinh, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, số liệu khảo sát của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho thấy trên thế giới hiện có 31 quốc gia có xu hướng tách môn Lịch sử. Các nước này có tích hợp ở cấp tiểu học, một phần nào đó ở cấp THCS nhưng THPT gần như hoàn toàn tách. Trong khi đó, thông qua khảo sát ở hơn 40 quốc gia trên thế giới do         UNESCO cung cấp, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng số quốc gia tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông cũng nhiều không kém.

Vấn đề tích hợp đang được cân nhắc bởi theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện đã được thông qua, giáo dục sẽ chuyển từ mô hình truyền thụ kiến thức sang mô hình đánh giá năng lực người học. Với mục tiêu này, việc tích hợp các môn sẽ giúp giảm tải cho học sinh và làm hình thành năng lực tổng hợp cho các em. 

Có thể thấy, dù theo phương án nào thì chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ phải thay đổi so với dự thảo ban đầu. Ở bậc THCS, bỏ môn KHXH thêm Lịch sử, Địa lý. Ở bậc THPT sẽ không phải là 4 môn bắt buộc mà có khả năng phải là 6 môn bao gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng và Lịch sử. Ông Nghiêm Đình Vỳ cho biết, sau khi thống nhất được các phương án nói trên, các tiểu ban Chương trình giáo dục phổ thông sẽ phải tiến hành điều chỉnh lại và từ đó mới thiết kế các chương trình bộ môn.