Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội để người lao động không "lọt lưới" an sinh

ANTD.VN - Mở rộng diện bao phủ hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân là mục tiêu xuyên suốt của ngành Bảo hiểm xã hội. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chú trọng công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng, ứng dụng CNTT trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ; chú trọng triển khai nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia.

Tham gia bảo hiểm xã hội khi còn trẻ là "của để dành" khi tuổi già

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội sẽ Việt Nam tập trung vào việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu như: Số người tham gia bảo hiểm xã hội chiếm tỷ lệ 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm tỷ lệ 29,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,9% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Đẩy nhanh tốc độ bao phủ hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân là mục tiêu xuyên suốt của ngành Bảo hiểm xã hội. Mặc dù mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đã tăng đáng kể trong vòng 10 năm qua, nhưng tính đến nay, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Diện bao phủ vẫn còn rất thấp trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động có hợp đồng ngắn hạn. Lao động trong khu vực phi chính thức, tự doanh và lao động nông thôn phần lớn vẫn chưa tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ tham gia bảo hiểm y tế xã hội, hưu trí tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp và chế độ tử tuất.

Đề cập đến việc làm thế nào để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Nghị quyết 28-NQ/TW đã khẳng định những thành quả to lớn của chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian qua.

Đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập như: hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế- xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới.

Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm; số người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Các chế độ bảo hiểm xã hội chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững...

Để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra.

Đối với ngành bảo hiểm xã hội, để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh việc hoàn thiện bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tích cực thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến các cấp, các ngành, người lao động và nhân dân, đặc biệt quan tâm đến người sử dụng lao động và người lao động thuộc khu vực kinh tế tư nhân; tập trung tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành trong năm 2020.