“Mở đường ray” đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa

ANTĐ - Từ ngày 1-11-2014, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước chính thức có hiệu lực. Đây được xem là giải pháp mạnh góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. 
“Mở đường ray” đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa ảnh 1
Các giải pháp mang tính chất đột phá được kỳ vọng đưa tiến độ cổ phần hóa đạt mục tiêu

Tính từ đầu năm đến hết tháng 9-2014, có 92 doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp lại, với 71 doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù số lượng doanh nghiệp được sắp xếp lại trong năm 2014 đã tăng mạnh so với các năm trước, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: “Tính cả năm 2013 và 9 tháng của năm 2014, đã có 4.400 tỷ đồng được các tập đoàn, tổng công ty rút khỏi những lĩnh vực kinh doanh “nhạy cảm” như chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, bất động sản. Dù đạt kế hoạch năm, nhưng số lượng vốn rút về là thấp, vì nếu với tốc độ này, trong năm 2015 sẽ còn phải thoái vốn tới 16.367 tỷ đồng”.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, tiến trình cổ phần hóa chậm là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên thị trường chứng khoán bị tác động, kéo theo những bất lợi cho tiến trình cổ phần hóa. Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách theo thời gian đã trở nên lạc hậu. Ngoài ra, những người đứng đầu bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty lại e dè, chưa quyết liệt. 

Để tháo gỡ những vướng mắc đang “níu” tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách. Việc thoái vốn dưới mệnh giá vẫn dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư, bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất, doanh nghiệp phải trích lập bổ sung dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. 

Ông Tiến cho biết: “Trường hợp đấu giá cổ phần không thành công, có thể cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giảm giá để có thể thu hồi vốn tốt hơn. Cụ thể, đối với cổ phiếu đã niêm yết nhưng có thị giá dưới mệnh giá, thì được bán theo biên độ quy định trên sàn. Trường hợp sau 3 tháng không bán hết thì được thỏa thuận giảm giá bán, nhưng tối đa không quá 10% so với giá bình quân của các giao dịch thành công 15 ngày trước đó”.

Chính phủ cũng cho phép Ngân hàng Nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia mua cổ phần. Cho phép các doanh nghiệp Nhà nước có kết quả hoạt động năm trước đó bị lỗ vẫn được bán cổ phần. Đồng thời, gắn việc bán cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tái cơ cấu với việc niêm yết của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.