"Mở cổng trường"để xã hội tham gia giáo dục

ANTĐ - Để đánh giá phần nào những đổi mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo, ở những góc nhìn khách quan của những người đã và đang tham gia vào công cuộc giáo dục, một bàn tròn đối thoại với một số chuyên gia trong lĩnh vực này đã được tổ chức. Đây là câu chuyện của những người tâm huyết, mong muốn có được những điều tốt đẹp cho nền giáo dục nước nhà trong tương lai .

Khách mời gồm có ông Đỗ Hoàng Sơn, giám đốc công ty Long Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn giáo dục STEM của Edu Spec; Ông Nguyễn Thế Trung, chủ tịch, tổng giám đốc DTT, sáng lập Học viện STEM (Sience,  Technology, Engineering and Mathematics-Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học);   TS Chu Cẩm Thơ, chuyên gia giáo dục, sáng lập chương trình giáo dục Toán học POMATH; TS Giáp Văn Dương, sáng lập  Giapschool; Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Eton Education Group-cung cấp dịch vụ tiếng Anh, Columnist về giáo dục của Tuần Việt Nam; Ông Nguyễn Quang Thạch, khởi xướng chương trình Sách hóa Nông thôn

Đã có bước đệm tốt về đổi mới giáo dục
Vấn đề đầu tiên là những nhận định về chính sách của Bộ GD&ĐT thời gian gần đây. Không thể không khách quan để nhận ra rằng đã có những chuyển biến đáng kể  trong việc nối kết các giải pháp dân sự với chính sách vĩ mô, mà từ đó nảy sinh các thành tố cốt lõi đã và đang thay đổi giáo dục gồm:  Thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; STEM ( Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học);  Tiếng Anh;  Công nghệ thông tin...Những thay đổi đó nhiều khi lặng lẽ, trong khi một kỳ thi đổi mới hay mấy chữ tích hợp chưa được hiểu cặn kẽ, chỉ là một phần của đổi mới, thì gây sóng gió dữ dội trên mọi diễn đàn

Ông Nguyễn Thế Trung: Theo tôi, thời gian vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành nhiều chính sách tích cực. Thí dụ, để quản lý chất lượng giáo duc đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn đề xuất phân tầng các trường ĐH. Hay để đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ đã có thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Tôi rất đề cao việc Bộ xóa bỏ việc cho điểm với học sinh cấp học này. Đây là một hình thức xóa bỏ hẳn “quyền lực” của giáo viên trong việc giảng dạy trên lớp cũng như học thêm  ngoài giờ. Nếu như trước đây giáo viên chỉ chăm chăm lo chấm điểm thì nay phải hỗ trợ học sinh nhiều hơn. Mục tiêu học tập của học sinh cũng vì thế được thay đổi. Học sinh từ cấp tiểu học sẽ có định hướng mới. Các em không phải cần học cái gì để được nhận điểm tốt mà phải học toàn diện hơn, học như thế nào, học các kỹ năng gì.

Việc Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia chung cũng đều nhận được sự ủng hộ của các trường ĐH. Một nội dung nhỏ như vì sao Bộ tổ chức 38 cụm thi mà không là 63 cụm tại khắp các địa phương cũng có lí do rất chính đáng. Ngoài việc tạo thuận lợi cho các thí sinh dự thi, Bộ GD không muốn xảy ra tiêu cực tại từng địa phương, dễ bị hành chính hóa chuyện thi cử. Tuy nhiên, khi tiến hành, rất ít các trường ĐH chưa chuẩn bị kỹ trong thủ tục khiến dư luận gọi là “thị trường chứng khoán” trong khâu nộp, rút hồ sơ khiến chính sách đã bị méo mó nhiều.

TS Chu Cẩm Thơ: Thời gian vừa qua, chính sách giáo dục đã có những chuyển động tích cực. Đơn cử trong việc giảng dạy và học tiếng Anh, lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã công nhận văn bằng quốc tế trong việc đánh giá học sinh Việt Nam (theo quy định mới, nếu học sinh đạt được một số văn bằng quốc tế sẽ được miễn môn thi ngoại ngữ tại kỳ thi THPT quốc gia). Hay việc Bộ GD&ĐT đã cho phép việc dạy và học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh từ bậc học phổ thông đã mở ra một xu thế mới về học và dạy môn ngoại ngữ…

Ông Nguyễn Quang Thạch: Trong chương trình sách hóa Nông thôn mà tôi đã làm, chuyển biến tích cực trong chính sách của Bộ GD&ĐT là đã đưa ra được chính sách đọc, tạo nhận thức cho giáo viên và tăng sự dọc cho trẻ em. Điều này đã khiến học trò trở thành những người học một cách chủ động, hướng tới trở thành những công dân có trách nhiệm. Từ đó tạo cơ hội tiếp cận sách bình đẳng đổi với mọi học sinh, đặc biệt cho học sinh nghèo. Điều này cũng tiết kiệm được ngân sách nhà nước, vận động được nguồn lực xã hội, chia sẻ trách nhiệm xã hội và cả xã hội chung tay vào giải quyết hình thành thư viện và văn hóa đọc. “Việc tạo cho học sinh thói quen đọc sách còn có ý nghĩa ở chỗ: Giáo dục đang chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, chuyển từ “dạy học” sang “dạy tự học” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định điều này khi kiểm tra mô hình Tủ sách phụ huynh tại Thái Bình ngày 26-9 vừa rồi.

T. S Giáp Văn Dương: Với những chuyển động tích cực, Bộ GD & ĐT đang dần tìm ra cách tạo ra sự cộng hưởng giữa chính sách với xã hội. Nếu cộng hưởng thì cần phải có nhiều thay đổi Mở rộng không gian sáng tạo. Những tín hiệu tốt cho thấy nhiều nơi nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức đơn thuần nữa mà cần trở thành không gian làm việc chung, có sự tham gia của phụ huynh, của xã hội.

Chính sách vĩ mô đã thúc đẩy sự thay đổi như thế nào:

Trong ba năm gần đây, chính sách giáo dục của Việt Nam được đánh giá là đã lắng nghe nhiều hơn, cởi mở hơn và có nhiều thay đổi mang tính đột phá. Nhờ sự chuyển động tích cực này, ngành giáo dục nối kết với xu hướng của xã hội, dần bắt kịp sự chuyển động của xã hội.  Chuyển động chính sách, sự góp thêm vào của nhiều cá nhân đã tạo ra những thay đổi đáng kể. Tại bàn tròn đối thoại, các chuyên gia giáo dục cũng khẳng định điều này

Nguyễn Quang Thạch: Mục tiêu mà tôi đang theo đuổi là tạo ra các thư viện dân sự, sách có mặt khắp mọi nơi, tạo ra kênh giáo dục đại chúng, coi việc đọc là cấu phần tạo ra sự thay đổi, hình thành hệ giá trị xã hội, là cơ sở giúp học ngoại ngữ tốt hơn. Sáng kiến xây dựng Tủ sách phụ huynh trong từng lớp học đã được hiện thực hóa bằng chủ trương cụ thể. Mới đây, Bộ GD & ĐT đã ra văn bản đồng ý nhân rộng tủ sách phụ huynh ra toàn quốc. Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cũng đồng tình với việc nhân rộng tủ sách dòng họ trên cả nước. Sẽ có nhiều trẻ em đã được hưởng lợi những dịch vụ khoa học miễn phí và chất lượng. Sau chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ GD & DT Phạm Vũ Luận xuống Thái Bình, chương trình Sách hóa Nông thôn nhận được nhiều sự quan tâm và sự chung tay của xã hội.

Ông Nguyễn Thế Trung: Bộ GD & ĐT đã bổ sung tiêu chuẩn đánh giá hiệu trưởng các trường phổ thông ở Việt Nam dựa trên học sinh đọc sách và CLB khoa học. Điều này là thay đổi mang tính bước ngoặt, tạo ra giáo dục “học” thông qua “hành” một cách bài bản. Một ví dụ đơn giản là trong một lớp học có Tủ sách Phụ huynh ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), mỗi thầy cô giáo chỉ cần giở sổ sẽ dễ dàng biết được số lượng sách mà một em học sinh đọc. Điều này sẽ tạo áp lực đọc sách lên thầy cô giáo và cả các lớp học ở  thành phố. Thầy cô giáo cũng cần phải đọc nhiều sách hơn để có thể trao đổi với học sinh.

Ông Đỗ Hoàng Sơn:  Phản biện giáo dục, từ trước đến nay, thường chỉ cập đến các vấn đề ở thành phố mà ít đề cập đến khu vực nông thôn hay hải đảo. Các vấn đề cốt lõi trong việc thay đổi giáo dục hiện này là: đọc sách, Câu lạc bộ khoa học, tiếng Anh, Công nghệ thông tin, giáo dục STEM. Bước đột phá lớn nhất là các chính sách mới đây của Bộ GD & ĐT đã hướng đến việc đọc sách của học sinh ở nông thôn. Mới đây, Bộ Giáo dục cũng “giao” nhiệm vụ trong năm học 2015-2016 có giáo dục STEM- được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Những tín hiệu để tin và những kiến nghị

Mặc dù còn những bất cập khi thực hiện những đổi mới trong chính sách giáo dục, nhưng điều quan trọng và cần ghi nhận là hướng của những đổi mới đó là tích cực và tâm huyết của những người làm công việc này. Hiện thực hóa các chính sách vĩ mô không phải điều quá xa vời. Ít ra, đã có một định nghĩa khác cho các sản phẩm giáo dục, và nhờ thế, tác động lên nhận thức của đội ngũ giáo viên, rồi từ đó, đến học sinh và các bậc phụ huynh

T.S Chu Cẩm Thơ: Mỗi cá nhân không bị động trước chính sách. Mỗi người nên tiếp cận chính sách trên hai phương diện: bị chi phối và chủ thể triển khai chính sách. Một giáo viên dạy không phải vì ai, mà phải vì nhu cầu. Học sinh không phải học dựa trên sự chủ động. Nếu mình đón nhận một cách thụ động thì bị rơi vào tình trạng “chụp mũ”. Công việc giáo dục không  gói gọn trong Bộ GD&ĐT xác định mục tiêu của giáo dục, các giải pháp phù hợp sẽ đi kèm mục tiêu. Điều quan trọng là nên xác định những mục tiêu phù hợp với nền tảng cơ bản về triết học, khoa học của quốc gia.

Ông Đỗ Hoàng Sơn : Rõ ràng Bộ GD & ĐT cũng nhận thức hoạt động thư viện như lâu nay, dù được đầu tư, nhưng kém hiệu quả để thay đổi. Bên cạnh đó, chủ trương coi xây dựng CLB khoa học là một phần văn hóa đọc trong nhà trường là một tiến bộ đáng kể. Đọc sẽ góp phần làm kỹ năng, tạo vốn sống con người chuyên nghiệp. Việc tăng kỹ năng, tạo cơ hội sáng tạo cho cả thầy và trò là đổi mới rất quan trọng. “Khoán đọc” và “khoán khoa học” là nhiệm vụ được giao cho cả giáo viên, học sinh, hiệu trưởng. Đây được coi là thay đổi căn bản và toàn diện.

TS Giáp Văn Dương: Tôi cung cấp các chương trình giúp giáo viên khai phóng chính họ. Thay đổi giáo viên làm nền tảng để làm các công việc khác. Những chương trình giúp đánh thức giáo viên tự học, tự hoàn thiện mình theo nhu cầu xã hội. Các thực hành giáo dục: Kỹ thuật giảng bài của các giảng viên, giáo viên, phát âm của giáo viên. Năm trước, tổ chức dạy thí điểm Toán và Khoa học bằng tiếng Anh. Tam giác học tập: học để biết, học để làm, học để thành người nào đó đang được quan tâm.

Ông NguyễnTuấn Hải: Từ nhiều năm nay, tôi nhắm vào lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, khuyến khích tiếp cận giáo dục công bằng. Độ vênh giữa dạy tiếng Anh trong nhà trường và việc dạy ở ngoài quá lớn. Ở các môn học khác, đã có nhiều chuyển biến và đánh giá tích cực, nhưng đối với việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường gần như không mấy sáng sủa. Các chương trình dạy toán học hoặc khoa học bằng tiếng Anh cho học sinh các cấp, được một số trung tâm giáo dục triển khai, gần như đứng trước nguy cơ phá sản do học sinh không thể giao tiếp, tương tác với giáo viên. Cũng cần phải nói thêm rằng, tôi tập trung vào công việc mà Bộ GD& ĐT chưa làm, hoặc chưa để ý đến, là giáo dục phụ huynh. Lý do chọn con đường giáo dục phụ huynh bởi đây là con đường ngắn nhất hiện nay để thay đổi giáo dục. Trẻ em được coi là nạn nhân của bố mẹ và của chương trình học. Thêm nữa, thay đổi một phụ huynh dễ hơn là thay đổi giáo viên. Gần đây, Bộ GD & ĐT đã có những chính sách thay đổi, để trẻ em bớt trở thành nạn nhân hơn. Tuy nhiên thông tư 30 vừa qua mới ra đời đã vấp phải rất nhiều phản ứng. Lý do chính là giáo viên không tương thích được. Đây là một trong những trở lực rất lớn, nếu chúng ta cứ dồn sức vào để thay đổi giáo viên thì sẽ rất khó. Trong nỗ lực của cá nhân tôi, trên các phương tiên truyền thông, trong các chuỗi giáo dục đều nhắm vào đối tượng là phụ huynh. Nhiều người nói là họ đã thức tỉnh. Và đứa trẻ, nhờ đó, được giải thoát rất nhiều điều.

KL:  Đổi mới giáo dục đặt nền móng cho sự phát triển xã hội luôn được các thành viên xã hội quan tâm. Dựa vào các cứ liệu trung thực và tiêu chuẩn làm quy chiếu đối sánh giữa chính sách vĩ mô và vận hành xã hội, giữa điều chỉnh chính sách vĩ mô và đầu ra có thể tiên lượng phục vụ phát triển xã hội, dựa vào các mô hình hiệu quả  và xu hướng phát triển của nó trên quy mô xã hội, chúng ta có thể hy vọng về những thay đổi của nền giáo dục trong thời gian tới