Mặt trái xã hội hóa

ANTĐ - Hiện tại, nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho ngành y tế chỉ chiếm khoảng 7% tổng chi ngân sách, nếu tính cả trái phiếu Chính phủ cũng mới đạt khoảng 7,55%. Như vậy, so với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nguồn chi này là quá thấp và cần có chính sách thu hút các nguồn vốn khác. Đó là một trong những nội dung của Hội nghị Khoa học kinh tế y tế vừa diễn ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tính tổng chi cho y tế so với GDP tăng dần theo từng giai đoạn: từ 1998-2005 là 5% GDP, giai đoạn 2006-2010 là 6%. Mức chi cho y tế bình quân đầu người từ 21 USD/người năm 2000 lên 75 USD/người năm 2009 và 85 USD/người vào năm 2010. Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới nhận định, bảo hiểm y tế toàn dân không còn xa lạ trên thế giới, nhưng với Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thiết kế phương án BHYT sao cho hệ thống này đảm bảo hiệu quả tài chính, chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân. Ông lưu ý Việt Nam rằng, BHYT không chỉ liên quan đến tài chính y tế mà các chính sách phải tạo ra các “gói” lợi ích cho người nghèo; tạo ra cơ chế chi trả hợp lý, minh bạch, công khai.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho rằng, ngành y tế đang đặt ra mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Song trước mắt phải vượt ba rào cản lớn là thiếu nguồn lực, sự phụ thuộc quá mức vào chi trực tiếp và sử dụng nguồn tài chính kém hiệu quả. Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc) không đặt vấn đề chi bao nhiêu cho y tế mà quan trọng là bình đẳng trong cung cấp tài chính. Việt Nam cần quan tâm tới cơ sở đóng góp, mức trần thu nhập để đóng góp vào BHYT, tình trạng miễn giảm cho người nghèo. Công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không thể gắn khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản với khả năng chi trả của người dân.

Về nguyên tắc, công bằng trong đóng góp tài chính y tế là người có thu nhập cao thì đóng góp cao, người thu nhập thấp thì đóng góp ít. Đóng góp cho y tế phải thông qua nộp thuế thu nhập và thông qua BHYT, đây là hai hình thức đóng góp công bằng nhất. Dư luận đã nói quá nhiều về tình trạng quá tải ngày càng quá sức chịu đựng ở các bệnh viện tại Hà Nội, TP.HCM, một nguyên nhân chủ yếu là vì thiếu tiền để đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, ngay tại hội nghị này còn chỉ ra một nguyên nhân không nhỏ, đó là vì nhiều bệnh viện quá “mải mê” kiếm tiền. Chính các cục, vụ, viện của Bộ Y tế đã khảo sát 18 bệnh viện ở cả 3 cấp Trung ương, tỉnh huyện cho thấy, số thu của các bệnh viện tăng từ 2,5-3 lần, ngân sách nhà nước cấp giảm từ 1,3-2,7 lần. Thu nhập của cán bộ nhân viên y tế tăng từ 1,7-3 lần. Đầu tư cho trang thiết bị cũng tăng mạnh. Song, mặt trái của xã hội hóa rất đáng lo ngại.

Đó là lạm dụng dịch vụ để tận thu, như tăng chỉ định sử dụng xét nghiệm, kỹ thuật cao; tăng nhập viện điều trị nội trú để tăng thu, sử dụng thuốc không hợp lý, kéo dài thời gian điều trị. Chi phí điều trị cũng tăng khá mạnh ở bệnh viện Trung ương, tỉnh và huyện. Mặt trái xã hội hóa còn lộ rõ khi mở ra các khoa tự nguyện nên phải san bớt bác sĩ, y tá, giường bệnh. Điều tất yếu là làm suy giảm chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng như bệnh nhân nghèo. Chất lượng dịch vụ y tế, sự quá tải bệnh viện phải chăng đều bắt nguồn từ mặt trái xã hội hóa?