Mất an toàn tại công trường dự án đường sắt đô thị: Phê bình, cảnh cáo chưa đủ

ANTĐ -Chiều 13-5, Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội đã họp với nhà thầu Daelim, tư vấn Systra và các bên liên quan về nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp đảm bảo an toàn đối với toàn tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.
Mất an toàn tại công trường dự án đường sắt đô thị: Phê bình, cảnh cáo chưa đủ ảnh 1

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông từng phải dừng hoạt động để tổng kiểm tra sau một sự cố gây thương vong cho người tham gia giao thông

Phê bình tư vấn, nhà thầu

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, nguyên nhân xảy ra sự cố tại trụ P286-C1 là do nhà thầu Daelim không lường trước được lực ma sát giữa ống vách dài (dài 90m, đường kính 1m) và lớp đất xung quanh nên đã dẫn đến sự cố đổ gục máy cẩu. “Chủ đầu tư phê bình tư vấn giám sát Systra tại khu vực công trường thi công trụ P286, nhóm giám sát quản lý gói thầu CP1 của Ban QLDA 1- Sở GTVT Hà Nội chưa làm tốt việc giám sát thi công. Đồng thời, phê bình Giám đốc Dự án thuộc nhà thầu Daelim, các cán bộ của nhà thầu có liên quan để xảy ra sự cố ngày 12-5 vừa qua”, ông Lê Huy Hoàng nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, Ban QLDA Đường sắt đô thị yêu cầu tư vấn Systra có báo cáo làm rõ trách nhiệm về công tác giám sát hiện trường khi xảy ra sự cố. Ban QLDA Đường sắt và tư vấn Systra kiểm tra lại năng lực thi công trên toàn tuyến, nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ đề nghị thay thế.Cũng tại cuộc họp, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu Daelim dừng thi công toàn bộ các hoạt động của gói thầu CP1 để kiểm tra nội bộ về thiết bị, vật tư, nhân lực.

Nếu nhà thầu phụ không đáp ứng được yêu cầu về an toàn, chất lượng sẽ bị loại bỏ. Bên cạnh đó, nhà thầu sẽ bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Nhà thầu phải phối hợp khắc phục hậu quả sau sự cố, bao gồm đền bù tài sản, hỗ trợ cho người, tài sản bị ảnh hưởng bởi sự cố sụp đổ cẩu.

Để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động... cho toàn bộ dự án, Ban QLDA Đường sắt đô thị và tư vấn Systra rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức thi công, tăng cường giám sát thi công trên công trường, đảm bảo việc thi công đúng quy định, phương án đã được duyệt. Các công việc và phương án tổ chức thi công phải hoàn hiện trước ngày 21-5 để báo cáo UBND TP Hà Nội.

Chiều cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Ban QLDA Đường sắt đô thị và các sở ngành liên quan yêu cầu rà soát, chấn chỉnh ATGT, an toàn lao động trên toàn tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GTVT khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân của sự cố; trên cơ sở đó xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, các sở, ngành liên quan kiểm tra việc bảo đảm an toàn thi công, ATGT trên các công trường thi công, kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với dự án đường sắt đô thị đang thi công, kịp thời phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn để cảnh báo và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Xem nhẹ an toàn lao động

Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh, các cơ quan quản lý Nhà nước rất quan tâm và đã có hướng dẫn đầy đủ, chi tiết về an toàn lao động đối với các dự án đường sắt trên cao đang thi công ở Hà Nội và TP.HCM.

 Đặc biệt, đối với dự án Cát Linh - Hà Đông, hàng tuần Bộ GTVT đều giao ban với nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát,  yêu cầu các đơn vị thi công phải thực hiện đúng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn. “Sau sự cố sập giàn giáo tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Cục đã tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công, thậm chí đã đình chỉ thi công để hoàn thiện hệ thống phòng hộ lao động nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại phía dưới và người thi công”, ông Trần Xuân Sanh cho hay. Câu hỏi đặt ra là, nếu vậy vì sao sự cố tại dự án này vẫn liên tiếp xảy ra?

Còn ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (ATLĐ - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, những vụ tai nạn, sự cố liên tiếp tại công trường thi công thời gian vừa qua đều do nhà thầu không tuân thủ đúng quy định về ATLĐ.

“Qua theo dõi các sự cố đáng tiếc vừa xảy ra tại công trường đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, tôi thấy đơn vị thi công đã vi phạm các quy định trong vận hành thiết bị nâng hạ, vi phạm các quy định về quản lý an toàn, không có đầy đủ các thiết bị đảm bảo để che chắn công trường tạo hành lang an toàn với môi trường xung quanh hoặc có nhưng không đảm bảo an toàn, thời điểm thi công dễ ảnh hưởng đến nhiều người dân…”, Phó cục trưởng Cục ATLĐ nhận định. 

Theo quy định về ATLĐ, tất cả các công trường thi công đều phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp, tiêu chuẩn an toàn thi công, an toàn lao động để đảm bảo an toàn cho cả công trình, người lao động và người dân xung quanh. Hiện hệ thống quy định pháp luật về ATLĐ ở nước ta đã khá đầy đủ song ý thức chấp hành, thực hiện ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm túc.

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hơn 73% nguyên nhân tai nạn lao động là do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động. Người lao động cũng chưa tự trang bị kiến thức phòng chống tai nạn. Do vậy, những vụ tai nạn lao động đáng tiếc vẫn xảy ra, đặc biệt là tai nạn tại những công trình trọng điểm.