Mạnh tay xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

ANTD.VN - Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nợ đọng xuống mức thấp nhất. Cùng với các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương đã chủ động công bố danh sách các doanh nghiệp nợ, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra xử lý.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỷ lên nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày càng tăng và diễn ra ở tất cả các tỉnh thành, các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thì số nợ còn tăng mạnh. Việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài khiến các quyền lợi như: hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất… sẽ không được giải quyết.

Mạnh tay xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ảnh 1Bảo hiểm xã hội quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy thu hồi nợ

Nhiều doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng

Hiện nay, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, cố tình chây ỳ và thời gian nợ kéo dài của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ông Mai Đức Thắng - Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến 31-3-2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,5 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện là 295.000 người, bảo hiểm y tế là 83,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,1% dân số.

Trong 3 tháng đầu năm, ngành bảo hiểm xã hội đã giải quyết 30.352 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết cho 142.134 người hưởng trợ cấp 1 lần; 2.662.515 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 113.831 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 8.147 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Mặc dù số thu trong quý I-2019 đạt kết quả tốt, nhưng hiện số nợ bảo hiểm cũng tăng cao, đòi hỏi ngành bảo hiểm xã hội phải quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm nợ.

Thông tin về tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, ông Mai Đức Thắng cho biết, tính đến hết tháng 2-2019, tổng số nợ phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng, so với thời điểm cuối năm 2018 tăng 1.300 tỷ đồng. Đáng chú ý, những doanh nghiệp nợ với con số “khủng” trên 10 tỷ đồng tập trung phần lớn ở Hà Nội và TP. HCM vì tập trung nhiều doanh nghiệp, thu hút đông đảo lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Cụ thể, đứng đầu danh sách là Công ty CP LILAMA 3 (Hà Nội) nợ với số tiền hơn 32 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty TNHH Nam Phương (TP.HCM) nợ gần 29 tỷ. Công ty CP Mai Linh miền Nam nợ gần 28 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn  nợ gần 28 tỷ đồng...

Còn vướng mắc trong quy trình khởi tố

Chỉ ra nguyên nhân tình trạng nợ bảo hiểm xã hội có xu hướng  gia tăng, Phó Tổng Giám đốc  BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, chủ yếu do tình hình sản xuất của các đơn vị đang gặp khó khăn; một số đơn vị có ý thức chấp hành chưa tốt quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao. Ngoài ra, trong tổ chức thực hiện, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ sử dụng lao động cũng chưa tốt. Không ít doanh nghiệp dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bình thường, vẫn có lợi nhuận, lương thưởng cho người lao động đầy đủ nhưng lại cố tình chây ỳ, nợ bảo hiểm xã hội. Người lao động, một mặt do sức ép việc làm, một mặt do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Theo ông Mai Đức Thắng, trong quý I-2019, cơ quan bảo hiểm xã hội tại 23 tỉnh, thành phố đã chuyển hồ sơ của 162 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên đến nay, việc khởi tố chưa thực hiện được ở doanh nghiệp nào, nguyên nhân chính là do vướng mắc trong quy trình triển khai. Để khắc phục những vấn đề này trong quy trình khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, hiện BHXH Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan chức năng đang phối hợp xây dựng quy trình chuyển hồ sơ, thành phần hồ sơ, hướng xử lý cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự chỉ là biện pháp cuối cùng để xử lý các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trước khi gửi hồ sơ sang cơ quan công an, thông qua quá trình thanh tra chuyên ngành và thanh tra liên ngành, nhiều đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội cũng đã khắc phục được phần nào số nợ.

Quyết liệt chặn nợ

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính sách bảo hiểm xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, bảo đảm quyền lợi của người lao động trong điều kiện gặp rủi ro lao động, ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí... Do vậy, người lao động cần ý thức được việc đóng bảo hiểm chính là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, các chủ sử dụng lao động cần phải thực hiện và thể hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ pháp luật, nhất là vấn đề bảo hiểm đối với người lao động, bởi khi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về bảo hiểm, người lao động sẽ yên tâm làm việc.

Để giảm thiểu số nợ và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động khi có phát sinh, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay, thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp, như yêu cầu cán bộ bám sát để đôn đốc việc đóng nộp đầy đủ. Với những doanh nghiệp nợ quá 3 tháng mà chưa được thanh tra thì sẽ tiến hành cảnh báo trên hệ thống phần mềm. Các địa phương khi thấy có cảnh báo này phải lập đoàn thanh tra để thanh tra, đôn đốc. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng cùng cấp (Tòa án, VKS, LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động....) nhằm báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Đối với trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Với những doanh nghiệp nợ quá 3 tháng mà chưa được thanh tra thì sẽ tiến hành cảnh báo trên hệ thống phần mềm. Các địa phương khi thấy có cảnh báo này phải lập đoàn thanh tra để thanh tra, đôn đốc. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng cùng cấp (Tòa án, VKS, LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động....) nhằm báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Đối với trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, BHXHVN sẽ kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.