Mạnh tay xử lý doanh nghiệp chây ỳ, đẩy lùi nợ đọng bảo hiểm xã hội

ANTD.VN - Để bảo đảm quyền lợi của người lao động và hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội năm 2019, thời gian qua, bảo hiểm xã hội các địa phương đã nỗ lực thu hồi nợ bảo hiểm xã hội và kiên quyết chuyển hồ sơ các doanh nghiệp chây ì sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định.

 

Mạnh tay xử lý doanh nghiệp chây ỳ, đẩy lùi nợ đọng bảo hiểm xã hội ảnh 1

Khởi kiện các doanh nghiệp có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội là cách thức để bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, dù tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo bảo hiểm xã hội đã có chuyển biến tích cực nhưng tại nhiều địa phương, tỷ lệ nợ còn cao; tình trạng nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn vẫn là bài toán khó xử lý. 

Cả nước hiện có 610.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thế nhưng chỉ 327.000 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội. Tính đến tháng 10/2019, tổng số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn phải thu là khoảng hơn 14,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó có hơn 32.000 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3- 6 tháng với số tiền 987 tỉ đồng; 12.849 đơn vị với 745 tỉ đồng nợ từ 6- 12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỉ đồng nợ trên 12 tháng. 

Theo thống kê, Hà Nội và TP. HCM là 2 địa phương có số lượng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội diễn biến phức tạp. Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Đàm Thị Hòa, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trên địa bàn là hơn 1.900 tỉ đồng (tăng 136,3 tỉ đồng so với tháng 8) và chiếm 4,27% số phải thu. Chỉ tính 500 đơn vị, DN nợ BHXH kéo dài từ 6 - 24 tháng, thì số nợ đã lên tới gần 280 tỉ đồng

Trong đó các doanh nghiệp có số nợ đọng bảo hiểm kéo dài gồm: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garmant (KCN Quang Minh) nợ trên 21,09 tỉ đồng- 18 tháng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp cao Minh Quân (Nhà hàng O2- KĐT Văn Khê) nợ 16,4 tỉ đồng- 19 tháng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Tòa nhà ICON 4- 243A Đê La Thành) nợ 6,8 tỉ đồng...

Hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp đã tác động trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, gây ảnh hưởng xấu sự bền vững của an sinh xã hội.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trước tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp diễn biến phức tạp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng: tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thường xuyên nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hàng tháng đúng quy định; phối hợp với cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra thường xuyên các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng.

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2019, cơ quan này đã có văn bản đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, xác minh tại 11 doanh nghiệp nợ với số tiền 62,8 tỷ đồng. Trong các hồ sơ này, mặc dù số tiền doanh nghiệp nợ đọng lớn, nhưng số tiền nợ tập trung chủ yếu vào thời điểm trước ngày 01/01/2018 (thời điểm Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực), nên bị xử lý hành chính theo quy định.

Tại TP. HCM bên cạnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội TP. HCM đã phối hợp với Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thực hiện thanh tra pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội; phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) trong việc thu hồi nợ; phối hợp với Ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp Thành phố mời các đơn vị nợ nằm trong khu lên trao đổi làm việc.

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn thực thi một số điều của Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội không còn là hành vi khởi kiện dân sự. Công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội nếu thấy có dấu hiệu vi phạm có quyền gửi văn bản đến cơ quan điều tra đề nghị xem xét khởi tố. Đây được xem như cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.