Tham khảo kinh nghiệm cảnh sát một số nước:

Mạnh tay với đối tượng chống người thi hành công vụ

ANTĐ - Tại nhiều nước trên thế giới, việc người thi hành công vụ được quyền sử dụng vũ lực để trấn áp các đối tượng phạm tội ngoan cố chống đối hay các phần tử khủng bố đã được áp dụng trên thực tế từ nhiều thập kỷ qua. Các nghiên cứu về tội phạm học đã cho thấy, việc cho phép cảnh sát được loại trừ mối đe dọa khi thi hành công vụ khiến cho tỷ lệ tội phạm manh động giảm đáng kể.

Cảnh sát Mỹ được trang bị đến “tận răng” khi làm nhiệm vụ...

Cảnh sát Mỹ - được quyền loại trừ mối đe dọa

Cảnh sát Mỹ khi thực thi nhiệm vụ mà đối tượng không chấp hành, có biểu hiện chống đối nguy hiểm là có quyền nổ súng. Thông thường cảnh sát Mỹ mang theo súng ngắn khi đi tuần. Thế nhưng, hai sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến cảnh sát Mỹ là vụ đấu súng dữ dội giữa những tên cướp ngân hàng và cảnh sát ở Norco, bang California ngày 9-5-1980 và vụ đấu súng giữa 2 tên cướp ngân hàng và 8 nhân viên FBI tại Miami hồi năm 1986.

Trong cả hai vụ này, phía các nhân viên thực thi pháp luật đều bị thiệt hại nặng về người và vật chất. Bởi vậy, để tăng cường khả năng trấn áp những kẻ chống người thi hành công vụ một cách hiệu quả, lực lượng cảnh sát sau đó đã được trang bị thêm nhiều vũ khí tối tân hơn. Một số nơi cho phép các nhân viên cảnh sát mang theo súng ngắn và súng trường bán tự động trong xe tuần tra, được sử dụng nếu nghi phạm dùng súng gây nguy hiểm cho người khác hay trong các vụ bắt cóc con tin. Ngoài ra, cảnh sát Mỹ cũng thường mang theo công cụ hỗ trợ như dùi cui hoặc các thiết bị được cho là không gây chết người khác như súng sốc điện, bình xịt hơi cay, có khả năng kiểm soát đám đông quá khích ở khoảng cách xa mà không nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người thi hành công vụ. 

Ngoài ra, trong thời gian được huấn luyện nghiệp vụ cảnh sát Mỹ được đào tạo cách sử dụng hỏa lực để "loại trừ mối đe dọa" chứ không phải đơn thuần là bắn hạ. Sau sự kiện  11-9, cảnh sát Mỹ đã áp dụng quy chuẩn hoạt động mới theo đó đề ra những cách thức xác định, chặn bắt và xử lý những phần tử tình nghi khủng bố. Bộ quy chuẩn này được mang mật danh “Quy chuẩn Kratos”. Các chuyên gia an ninh Mỹ đã nghiên cứu và đề ra quy chuẩn mới, theo đó cảnh sát được quyền bắn vào đầu và hạ bộ nếu kẻ đánh bom tự sát không đầu hàng. Trước đây, cảnh sát Mỹ thường nhằm bắn vào người, tuy nhiên theo các chuyên gia an ninh nếu bắn vào đó thì có nguy cơ kích nổ khối thuốc nổ bọn khủng bố đeo quanh người. 

Không chỉ vậy, hầu hết các đồn cảnh sát lớn của Mỹ đều có các đơn vị đặc nhiệm được điều tới để giải quyết các tình huống như nghi phạm cực kỳ nguy hiểm chống trả dữ dội, các vụ bắt cóc con tin hay trong trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ vượt quá khả năng giải quyết thì người thi hành công vụ có thể yêu cầu lực lượng đặc nhiệm tới hỗ trợ. Những lực lượng đặc nhiệm này thường được trang bị súng tiểu liên, súng máy, súng trường bắn tỉa và lựu đạn khói, xe thiết giáp dùng trong trường hợp đặc biệt nguy hiểm…

...và được phép bắn nếu gặp phải đối tượng chống đối nguy hiểm

Trung Quốc: Ngoan cố, bị bắn bỏ

Cảnh sát Trung Quốc đã có những quy định rõ ràng về việc xử lý mạnh tay đối với những phần tử tội phạm có dấu hiệu chống đối. Ví dụ như Luật An ninh nội địa Trung Quốc quy định: “Nếu không thể ngăn chặn những vụ tấn công bạo lực, cảnh sát có quyền bắn chết thủ phạm theo quy định của pháp luật”.

Sau hàng loạt vụ tấn công trường học khiến cả Trung Quốc rúng động, từ năm 2010, chính quyền thành phố Trùng Khánh đã ra lệnh cho cảnh sát sẵn sàng bắn bỏ bất cứ ai có hành vi đe dọa học sinh. Chính quyền Trùng Khánh, công bố lệnh trên sau khi Bộ Công an Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương thắt chặt an ninh tại tất cả trường học và nhà trẻ trên toàn quốc.

Còn tại thị xã Song Thành (thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc), hồi tháng 11 năm ngoái, một lái xe do mâu thuẫn đã giết chết 2 người, sau đó phóng hỏa phi tang hiện trường. Bị cảnh sát rượt đuổi, hắn vẫn ngoan cố bỏ chạy. Sau khi va chạm với nhiều xe cảnh sát, làm nhiều cảnh sát bị thương nặng, tên sát nhân cuối cùng đã bị chặn lại, nhưng hắn vẫn tiếp tục chống cự, dùng dao định đâm người thi hành công vụ. Cảnh sát sau khi nổ súng cảnh cáo không được, bắt buộc phải bắn hạ. Do bị thương nặng, tên sát nhân đã tử vong tại bệnh viện. 

Tại Hàn Quốc, mới đây cảnh sát Seoul nhận được thông tin có 2 lính Mỹ đe dọa người qua đường bằng súng. Tuy nhiên, khi họ tiếp cận thì hai đối tượng tình nghi này đã bỏ chạy, buộc cảnh sát phải rượt đuổi. Trong lúc lái xe tốc độ cao chạy trốn, hai lính Mỹ đã đâm vào một xe hơi khác trên đường và để thoát thân, nhóm lính Mỹ cố gắng dùng xe đâm vào xe cảnh sát Seoul buộc cảnh sát phải bắn 3 phát đạn làm lính Mỹ lái xe bị thương. Dù vậy, hai lính Mỹ cũng chạy thoát đến căn cứ của họ. Còn một nhân viên cảnh sát Hàn Quốc đã bị thương nhẹ trong lúc bị chiếc xe bỏ trốn đâm phải. Quân đội Mỹ đồn trú trong thành phố đã lên tiếng xin lỗi về sự cố trên và cam kết sẽ tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.