CATP Hà Nội:

Mạnh tay với "cát tặc"

ANTD.VN - Nhằm siết chặt hoạt động khai thác, kinh doanh trái phép cát sỏi trên sông, thuộc địa bàn TP. Hà Nội, CATP đã thành lập tổ công tác hoạt động độc lập, quyết tâm truy quét “cát tặc”.

Mạnh tay với "cát tặc" ảnh 1

Đại tá Đào Thanh Hải , Phó Giám đốc CATP Hà Nội (thứ 5 từ phải sang) trao tặng Giấy khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật khai thác, kinh doanh cát, sỏ

Nhiều bến bãi hoạt động sai phép và không phép

Đó chính là thông tin được Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết tại hội nghị nghị sơ kết 3 tháng triển khai thực hiện kế hoạch số 120/KH - CAHN - PC49 về "Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi trên sông, thuộc địa bàn thành phố Hà Nội".

Cùng dự có Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc CATP; đại diện Sở GTVT Hà Nội; Chi cục Quản lý đê điều Hà Nội và các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện thị xã trên địa bàn thành phố.

Qua sơ kết thực hiện Kế hoạch 102/KH - BCA - C41, ngày 12-4-2016 của Bộ Công an về “Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên sông và cửa biển”; Kế hoạch số 120/KH - CAHN - PC49 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi trên sông thuộc địa bàn thành phố, CATP Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra xử lý 51 vụ việc, 56 đối tượng, tạm giữ 53 tàu thuyền các loại, tịch thu 46 đầu nổ, 46 sên, vòi hút...

Qua xác minh, điều tra đã hoàn thiện hồ sơ và xử phạt vi phạm hành chính 44 vụ với hơn 868 triệu đồng. Hiện lực lượng chức năng cũng đã tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ, chờ xử lý 7 vụ. Đáng lưu ý, sau 3 tháng thực hiện kế hoạch, CAH Ba Vì là đơn vị đã bắt giữ được nhiều vụ khai thác cát trái phép.

Cũng qua công tác kiểm tra, xử lý bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc địa bàn Hà Nội, hiện có tổng số 209 bến bãi, trong đó có 41 bến bãi có cơ sở pháp lý về đất đai, còn 168 bến bãi không phép hoặc được cấp phép sai thẩm quyền.

Các bến bãi không phép, hoặc được cấp phép sai thẩm quyền này có nguồn gốc đất hình thành từ hợp đồng thuê thầu với UBND cấp xã, phường, hợp tác xã nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp chuyển nhượng từ các hộ dân.

Đáng chú ý, quận Bắc Từ Liêm là địa bàn có số bến bãi nhiều nhất (34 bến bãi), nhưng là một trong hai quận dẫn đầu về công tác tham mưu chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa dứt điểm bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD)  với 7/34 bến bãi, còn huyện Sóc Sơn cũng giải tỏa dứt điểm được 4/26 bến bãi.

Núp bóng nạo vét

Cũng trong thời gian từ 9-5 đến 8-8-2016, lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 18 bến bãi, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 166 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất, không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, không có cam kết bảo vệ môi trường, để vật liệu ở lòng sông, bãi sông gây cản trở hành lang và thoát lũ.

Trong đó, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở NN & PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra hoạt động tập kết, kinh doanh, trung chuyển VLXD ở khu vực bãi sông và khai thác cát trong mùa mưa bão trên địa bàn các quận, huyện như: Long Biên, Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên…

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ cũng đã được lực lượng CSGT phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tuần tra kiểm soát, xử lý gần 200 trường hợp xe tải chở VLXD vi phạm, xử phạt với số tiền lên tới gần 230 triệu đồng, tạm giữ 3 phương tiện, 161 bộ giấy tờ và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 37 trường hợp có thời hạn.

CAH Ba Vì bắt giữ tàu hút cát trái phép đưa về tạm giữ tại cảng Sơn Tây

So với thời gian cùng kỳ và liền kề, công tác kiểm tra xử lý các vụ việc, đối tương vi phạm về lĩnh vực khai thác khoáng sản (chủ yếu là cát) lòng sông tăng cao.

Tại hội nghị, đại diện các phòng nghiệp vụ, chức năng của CATP, Công an các quận, huyện và thị xã (những địa bàn có tuyến sông Hồng, sông Đuống) chảy qua cho rằng, dù kết quả thực hiện kế hoạch đã có sự chuyển biến rõ rệt song vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản không đúng quy trình diễn ra trên các tuyến sông, đặc biệt là sông Hồng; còn tồn tại một số địa bàn phức tạp, trọng điểm về tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản cát, sỏi lòng sông và bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD và các vi phạm chưa được kiểm tra xử lý kịp thời như địa bàn quận Tây Hồ, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Phú Xuyên, thị xã Sơn Tây…

Lý giải vấn đề trên, Đại tá Khuất Duy Kiều, Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy, CATP Hà Nội cho biết, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản cát, sỏi lòng sông thuộc địa bàn Hà Nội hiện nay chủ yếu là khai thác cát đen.

Trong đó đáng chú ý là hoạt động của các công ty được cấp phép tham gia nạo vét luồng lạch, khai thác bãi nổi nhưng đã lợi dụng việc thi công các công trình trên sông, nạo vét chỉnh, trị luồng, thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông để khai thác cát, không đúng quy định. Ngoài ra, các đối tượng khác cũng lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác, hút trộm cát.

Đẩy mạnh công tác phối hợp

Đồng tình với các quan điểm trên, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội chia sẻ, ngoài những vướng mắc trên, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch thấy rằng, tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản cát, sỏi lòng sông luôn liên quan đến vấn đề bến bãi, tập kết và trung chuyển.

Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng, Công an các quận, huyện, thị xã nhưng việc làm này chưa nhịp nhàng. Bên cạnh đó, một số thiết bị còn thiếu như cân trọng tải vẫn chưa được đầu tư, nên khi xử lý gặp nhiều khó khăn.

Kết luận hội nghị, Đại tá Đào Thanh Hải đánh giá cao các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện Kế hoạch 102 của Bộ Công an và kế hoạch 120 của CATP Hà Nội về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi trên sông thuộc địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, do việc khai thác khoáng sản có lợi nhuận cao nên nhiều đơn vị tìm mọi cách để được cấp phép hoạt động. Do vậy, hoạt động này diễn ra ngày càng phức tạp. Đại tá Đào Thanh Hải chỉ đạo các đơn vị phối hợp tốt với chính quyền các cấp và người dân địa phương để tiếp tục rà soát hoạt động tại các bến bãi trên địa bàn. Đối với lực lượng CSGT, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển VLXD, lập chốt xử lý. Đặc biệt, trong công tác phối hợp khi nhận được thông tin, đề nghị phối hợp phải có mặt không cần thiết phải đòi hỏi kế hoạch phối hợp.

Đồng tình với ý kiến chỉ đạo trên, ông Nguyễn Xuân Hải, Chi cục phó Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng, việc phối hợp trong những tình huống cần thiết thì không cần phải yêu cầu đơn vị đề nghị phối hợp phải có kế hoạch. "Đi bắt đối tượng vi phạm còn phải chờ đợi, chẳng khác nào tạo thời cơ cho đối tượng tẩu thoát" - ông Hải nói.

Nhằm mạnh tay kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi trên sông thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải cũng cho biết, hiện CATP Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt và được huấn luyện các kỹ năng nghiệp vụ, lái tàu xuồng, tham gia hoạt động tuần tra kiểm soát độc lập. Trong quá trình tuần tra phát hiện đối tượng vi phạm, yêu cầu các phòng nghiệp vụ, các đơn vị Công an quận, huyện, thị xã  tuân thủ, phối hợp. Hiện tổ công tác này được lập và hoạt động hơn một tháng nay.