Mạng xã hội vi phạm có thể bị rút giấy phép

ANTD.VN - Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số của Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã bổ sung quy định về đình chỉ, thu hồi giấy phép thiết lập trạng thông tin điện tử, giấy phép thiết lập mạng xã hội và trình tự thu hồi. 

Sẽ xử lý nghiêm các trang mạng xã hội vi phạm

Cụ thể, theo Nghị định 27, trang thông tin điện tử, mạng xã hội sẽ bị đình chỉ giấy phép thiết lập trong thời hạn 3 tháng khi, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP: đăng thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, quảng cáo tuyên truyền cho nội dung bị cấm lưu hành hoặc dịch vụ bị cấm…

Doanh nghiệp sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép với trang thông tin điện tử, mạng xã hội nếu có các hành vi vi phạm như: đăng bài tuyên truyền chiến tranh xâm lược, chống phá nhà nước, tuyên truyền tư tưởng phản động, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, thông tin xuyên tạc sự thật, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc, bí mật nhà nước theo quy định…

Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông, TT-TT) hiện có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép hoạt động. Trong số đó, Facebook, Google chiếm vị trí áp đảo.

Việt Nam có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số, trong đó, số lượng người sử dụng mạng xã hội qua di động xấp xỉ 50 triệu người, chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như: Facebook, YouTube, Zalo…

Theo Bộ TT-TT, thời gian qua, không ít trang mạng xã hội có nhiều hành vi vi phạm. Cụ thể, một số trang mạng xã hội được cấp phép vẫn cung cấp cả thông tin điện tử tổng hợp, cho đăng nhiều bài viết được dẫn nguồn từ nhiều cơ quan báo chí, vi phạm quy định tại khoản 2, điều 63 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Một số mạng xã hội khác lại tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin như cơ quan báo chí điện tử, mà thực chất là hoạt động báo điện tử không phép.

Ngoài ra, một số trường hợp lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ chuyên ngành khác, như: dịch vụ truyền hình trên mạng hoặc cung cấp các dịch vụ vi phạm pháp luật về bản quyền như xem phim trực tuyến, nghe nhạc trực tuyến...

Những thông tin dung tục, sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác cũng được đăng tải nhiều trên các mạng xã hội đã được cấp phép.

Bộ TT-TT cho biết, tới đây, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, góp phần xây dựng môi trường internet lành mạnh hơn.