Mầm bệnh từ... thuốc giả

(ANTĐ) - Thuốc tăng cường “sinh lực” cho nam giới, thực phẩm bổ dưỡng giảm béo, thuốc kháng sinh đặc trị... khi vào Việt Nam một thời gian ngắn là xuất hiện hàng nhái, hàng giả.

Mầm bệnh từ... thuốc giả

(ANTĐ) - Thuốc tăng cường “sinh lực” cho nam giới, thực phẩm bổ dưỡng giảm béo, thuốc kháng sinh đặc trị... khi vào Việt Nam một thời gian ngắn là xuất hiện hàng nhái, hàng giả.

Hết sức cẩn thận khi mua các sản phẩm thuốc (ảnh minh họa)
Hết sức cẩn thận khi mua các sản phẩm thuốc (ảnh minh họa)

Bị “nhái”, “giả” vì... nổi tiếng

Trung tuần tháng 4-2009, đội Chống hàng giả - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CATP Hà Nội nhận được “đơn kêu cứu” của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng giảm béo mang nhãn hiệu “Lishou”. Theo tường trình của doanh nghiệp, sản phẩm của họ nhập từ nước ngoài và độc quyền phân phối trên toàn quốc.

Tại Việt Nam, sản phẩm được doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm với cơ quan chức năng của Bộ Y tế. Gần 4 năm tiếp cận thị trường, khi sản phẩm của doanh nghiệp này bắt đầu có được sự tin dùng của người sử dụng thì vấp phải nguy cơ hàng nhái, hàng nhập lậu. Cuộc khảo sát trên thị trường toàn quốc được doanh nghiệp tiến hành cho kết quả: chỉ một phần tư sản phẩm đang bán trên thị trường là hàng chính hãng!

Quá trình trinh sát, đội Chống hàng giả phát hiện, “bóc” được đường dây chuyên doanh “Lishou” nhái, gồm 2 cửa hàng kinh doanh tân dược ở địa bàn quận Hoàn Kiếm và 1 đối tượng vận chuyển. Theo tài liệu của cơ quan công an, giá bán của sản phẩm Lishou thật trên thị trường xấp xỉ 700.000 đồng/hộp. Trong khi sản phẩm cùng loại, trôi nổi trên thị trường được bán chưa đến... 100.000 đồng.

Tại cơ quan công an thời điểm đối tượng buôn sản phẩm “Lishou” lậu bị dẫn giải về, đại diện nhà phân phối sản phẩm này - ông Vũ Tân Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị y tế Phú Hải - ngao ngán: “Nhãn hiệu sản phẩm của chúng tôi được bảo hộ, sản phẩm có dán tem chống hàng giả, có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt... vậy mà những thông số đó đã không đến được đại bộ phận người tiêu dùng. Hàng nhái, hàng lậu, thậm chí hàng giả ồ ạt xuất hiện với những thông tin đều bằng tiếng... nước ngoài. ít người tiêu dùng hiểu được thông tin đó nói gì, nhưng họ vẫn mua vì giá thành sản phẩm quá rẻ”.

Phải cạnh tranh gay gắt với hàng lậu, hàng giả cũng là tình trạng diễn ra lâu nay của loại thuốc tăng cường sinh lực nam giới Viagra. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Hà Nội và tại Việt Nam, doanh nghiệp quốc tế sản xuất Viagra đều có đặt văn phòng đại diện để cung cấp sản phẩm. Giá mỗi vỉ thuốc “xịn” được tính bằng ngoại tệ.

Nhưng cũng không quá khó để mua được trên thị trường sản phẩm cùng thương hiệu Viagra chỉ với giá vài chục nghìn đồng/vỉ. Nguồn thuốc rẻ “bất ngờ” này từ đâu ra? Chúng đều được nhập lậu qua biên giới và tuồn vào nội địa tiêu thụ. Sự không rõ ràng về nguồn gốc này đồng nghĩa với nguy cơ chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, và rất có thể sức khỏe, tính mạng người sử dụng cũng sẽ gặp nguy hiểm.

Các đối tượng kinh doanh thuốc giả trước vành móng ngựa
Các đối tượng kinh doanh thuốc giả trước vành móng ngựa

“Trị” nghiêm để giảm nguy cơ thuốc giả

“Trong các loại hàng giả, hàng nhái, việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả là hành vi đáng lên án nhất, bởi hậu quả nó gây ra đối với xã hội. Tuy nhiên, để phanh phui được đối tượng, đường dây buôn bán thuốc giả là hết sức khó khăn”, một cán bộ đội Chống hàng giả - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CATP Hà Nội nói.

Theo ghi nhận của lực lượng CSKT, Quản lý thị trường, những đường dây sản xuất - kinh doanh tân dược giả bị khám phá từ trước đến nay cho thấy sự liên quan nhất định giữa đối tượng làm thuốc giả và cửa hàng bán thuốc. Quy trình nhập - xuất đối với các cửa hàng thuốc được ngành y tế quy định rất rõ; trong đó đề cập cả đến việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm.

Song vì lợi nhuận, một bộ phận cửa hàng thuốc bỏ qua quy trình, tiếp tay cho đối tượng xấu. Vụ án cử nhân luật Phạm Thị Việt Tú (SN 1981), trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội vừa bị đưa ra xét xử về tội kinh doanh tân dược giả là một điển hình. Theo học nghề không liên quan đến ngành y nhưng Tú vẫn “mạnh dạn” làm “nghề” sản xuất tân dược… giả.

Nhận thấy nhu cầu thị trường chuộng sản phẩm Rovanten - loại thuốc kháng sinh đặc trị dùng phục hồi cho bệnh nhân sau khi mổ - Tú chế thuốc giả bằng cách mua một loại thuốc chữa dạ dày, sau đó tẩy xóa nhãn mác và in dập nhãn Rovanten rồi bán ra thị trường với mức giá “siêu” rẻ. Sau khi Tú bị bắt, cơ quan công an làm rõ nơi tiêu thụ sản phẩm giả này có 1 quầy tân dược ở chợ thuốc Ngọc Khánh và 1 cửa hàng thuốc ở quận Hà Đông. 36 tháng tù (án treo) là hình phạt nữ cử nhân luật phải chấp hành.

Sau vụ án này, TAND thành phố Hà Nội cũng đưa ra xét xử vụ sản xuất, kinh doanh tân dược liên tỉnh; 4 đối tượng bị đưa ra trước vành móng ngựa do kinh doanh thuốc “Cota xoang” và một số tân dược giả khác. Tại phiên tòa, các đối tượng khai từ cuối năm 2007 đến khi bị bắt (năm 2008), chúng đã sản xuất cả nghìn hộp tân dược giả đem bán ra thị trường. 48 tháng tù giam là mức án cao nhất với kẻ đầu vụ trong đường dây làm thuốc giả này.

“Cần, rất cần những mức án nghiêm minh để ngăn chặn ý đồ, hành vi của các đối tượng sản xuất thuốc giả”, chỉ huy đội Chống hàng giả nhấn mạnh. Đó cũng chính là đòi hỏi bức thiết không chỉ ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong xã hội, mà còn để bảo vệ sức khỏe của người dân.

Hoàng Quân