Mái trường ấm tình thầy trò

(ANTĐ) - Điều gì khiến cho một ngôi trường với 50 năm truyền thống ngày càng gắn bó, thân thiết với các thế hệ học sinh Thủ đô hôm nay? Câu trả lời chính là sự chuyển mình của thầy trò với định hướng thân thiện-tích cực cùng một cơ chế đổi mới toàn diện trong kiểm tra, đánh giá.

50 năm Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (1960-2010):

Mái trường ấm tình thầy trò

(ANTĐ) - Điều gì khiến cho một ngôi trường với 50 năm truyền thống ngày càng gắn bó, thân thiết với các thế hệ học sinh Thủ đô hôm nay? Câu trả lời chính là sự chuyển mình của thầy trò với định hướng thân thiện-tích cực cùng một cơ chế đổi mới toàn diện trong kiểm tra, đánh giá.

Một trong những hoạt động ngoại khóa trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm được học sinh xây dựng công phu
Một trong những hoạt động ngoại khóa trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm được học sinh xây dựng công phu

Minh bạch, kích thích ý thức học tập của trò

Sự chán nản, học để đối phó xảy ra không ít với học sinh, đặc biệt là học sinh THPT trước sức ép của các kỳ thi lớn. Điều này khiến cho việc đến trường trở nên nặng nề, kém hứng thú với học sinh khi môi trường sư phạm không tạo ra được những hoạt động thu hút được sự chú ý, tham gia tích cực của trò.

Vậy để học sinh thích đến trường, học tập hiệu quả, không đọc chép, trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tìm ra những biện pháp khá hiệu quả. Thầy Nguyễn Hữu Chiệu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá của học sinh sẽ tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh lẫn giáo viên. Học sinh thích đến trường, thích những giờ học vì các em được tham gia đóng góp ý kiến, được hoạt động nhóm, được thể hiện chính kiến của mình. Đây cũng là biện pháp hiệu quả để tránh tình trạng giáo viên đọc, học sinh chép, giờ học nặng nề không có hiệu quả”.

Tạo ra động lực thi đua lành mạnh, đồng thời tránh tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm để có điểm tốt, trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm đã triển khai đồng loạt kiểm tra các môn học tập trung toàn trường. Một bài kiểm tra bình thường có thể do giáo viên bộ môn của mỗi lớp triển khai nhưng trường yêu cầu thi chung toàn khối với đề thi được ra chung do tổ chuyên môn phụ trách ra đề. “Để đảm bảo công khai, minh bạch trong kết quả kiểm tra, thi, chúng tôi áp dụng việc lên điểm vào máy tính trước khi trả về lớp để có thể đối chiếu điểm của giáo viên, học sinh với điểm gốc. Điều này đã được phụ huynh học sinh hoàn toàn ủng hộ” - cô Bùi Thị Minh Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Để có được điều này, theo Ban Giám hiệu nhà trường, các hoạt động của nhà trường đều thống nhất phương châm không chạy theo thành tích, đánh giá trung thực, khách quan, công bằng, chính xác, sát thực tiễn nhằm động viên tinh thần cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy nội lực của giáo viên trong nhà trường, thúc đẩy tinh thần hướng thiện trong hoạt động giáo dục của từng thành viên trong nhà trường. Đây chính là động lực phấn đấu lớn cho học sinh và giáo viên khi tỷ lệ học sinh giỏi của nhà trường trước khi áp dụng hình thức kiểm tra, đánh giá này chỉ đạt 12% năm 2006-2007, nay đã đạt 32% năm học 2009-2010.

Hào hứng với những hoạt động chuyên đề

Không chỉ khẳng định về thành tích dạy và học, điều mà thầy cô trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm luôn suy nghĩ là làm sao để học sinh được giáo dục toàn diện. Về số giờ hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, học sinh trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm đã hoàn toàn khắc phục được hạn chế này bằng việc tự mình xây dựng những chuyên đề ngoại khóa hấp dẫn, đem lại sự hứng thú cho tất cả học sinh trong trường đồng thời có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Cô Bùi Thị Minh Nga cho biết, đã bước sang năm thứ 2, Ban Giám hiệu nhà trường mạnh dạn giao cho các tập thể lớp chuẩn bị các chuyên đề sinh hoạt ngoài giờ lên lớp và thể hiện các chuyên đề trước trường bằng cách áp dụng công nghệ thông tin, dùng máy chiếu nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong việc tìm kiếm thông tin trên mạng và các kiến thức tổng hợp. Mới đây nhất, những câu chuyện được xây dựng theo chủ đề “Bông cúc vàng tặng mẹ” trong tháng 10 vừa qua đã khiến chính các thầy cô phải khóc vì xúc động. Nhiều học sinh đã khóc trước câu hỏi chúng mình phải làm gì để đền đáp công ơn cha mẹ khi những câu chuyện và hình ảnh về tấm gương những người mẹ hy sinh tất cả cho con ăn học hay những bà mẹ lặng thầm trong mất mát khi những người con ra đi vì đất nước. Rồi còn cả những câu chuyện xót xa về hình ảnh người mẹ đau đớn vì đứa con trót dại dính vào con đường nghiện ngập. “Tất cả đều do các em học sinh khối 11 của trường tự xây dựng và chúng tôi rất bất ngờ, thú vị trước khả năng của các em” - cô Bùi Thị Minh Nga cho biết.

Xây dựng môi trường thân thiện trong mối quan hệ giữa cán bộ, giáo viên với giáo viên và lãnh đạo nhà trường, quan hệ giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô giáo và cán bộ nhân viên, giữa giáo viên, cán bộ nhân viên với gia đình học sinh, giữa nhà trường với cộng đồng và hành vi thân thiện với môi trường thiên nhiên. Đây chính là cách thức để  trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm đào tạo ra những thế hệ học sinh năng động và thực sự gắn bó với trường lớp, với thầy cô.

Duy Anh