Lý giải trào lưu làm tiến sĩ

ANTĐ - Với tuyên bố “số lượng đào tạo tiến sĩ hàng năm của Học viện Hàn lâm Khoa học Xã hội 350 chỉ tiêu còn rất ít so với nhu cầu thực tế”, nỗi lo về đào tạo tiến sĩ chạy theo số lượng thay vì chất lượng càng tăng mạnh hơn. 

Lý giải trào lưu làm tiến sĩ  ảnh 1Số lượng tiến sĩ ngày càng nhiều, nhưng chất lượng thì chưa biết
(Ảnh minh họa)

Quan trọng là chất lượng đề tài 

Chị Nguyễn Thị Thúy, nghiên cứu sinh tại Australia cho biết, đây đã là năm thứ năm chị làm luận án tiến sĩ ở nước này. Chị Thúy chia sẻ: “Khi mới nhận học bổng làm tiến sĩ, tôi còn băn khoăn vì sao phải mất tới 5 năm để làm tiến sĩ nhưng khi thực sự bắt tay vào mới thấy 4 năm chưa đủ để nghiên cứu một đề tài khoa học cho luận án tiến sĩ. Quá trình này đòi hỏi tính nghiêm túc, khả năng nghiên cứu, tinh thần tự học hỏi rất cao và tất nhiên không thể thiếu sự hỗ trợ của thầy hướng dẫn và hội đồng giám khảo qua từng giai đoạn”. 

“Ở trường đại học, nơi tôi làm luận án tiến sĩ, có tới 50% nghiên cứu sinh đã rút lui sau trong quá trình làm luận án. Chỉ 30% trong số các nghiên cứu sinh còn lại có thể hoàn thành trong thời hạn 4 hoặc 5 năm. Đấy là với những trường hợp dành toàn bộ thời gian làm nghiên cứu. Còn những người vừa đi làm, vừa học thì thời gian trung bình phải mất 7-8 năm. Thậm chí tôi biết có trường hợp hoàn thành luận án tiến sĩ mất 11 năm”, chị Thúy kể. 

Chị Nguyễn Thị Thúy cho rằng, điều cốt yếu trong quá trình làm nghiên cứu sinh là đề tài nghiên cứu có thực sự chất lượng hay không?  “Có những người theo đuổi đề tài tới hơn chục năm, có người tạm dừng và chỉ quay lại khi thấy mình đã đủ năng lực và tìm được những dữ liệu phù hợp cho đề tài”. 

Cũng theo chị Nguyễn Thị Thúy, làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài rất vất vả và nhiều người chỉ hoàn thành được một vài phần như bảo vệ đề tài, mô tả thực nghiệm nghiên cứu... Ở các cơ sở nghiên cứu khoa học, các giáo sư hướng dẫn cũng rất tôn trọng nghiên cứu sinh. Với họ, điều quan trọng là nghiên cứu sinh phải tự tìm tòi, học hỏi qua đề tài nghiên cứu của mình chứ không nhất thiết phải trở thành tiến sĩ mới được tôn trọng.

Làm tiến sĩ để có chức vụ, thăng tiến

Trao đổi với báo chí về đào tạo tiến sĩ hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chất lượng đào tạo tiến sĩ của ta hiện nay thấp vì đang xuất hiện xu hướng làm tiến sĩ không phải để làm khoa học hay giảng dạy mà để có chức vụ, dễ thăng tiến. “Một số người làm nghiên cứu sinh là muốn có thêm điều kiện để có vị trí, tiếng nói tốt hơn, chứ không phải để làm khoa học, để cống hiến”, ông Nguyễn Minh Thuyết nói.

So sánh giữa quá trình làm nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, cái dở nhất trong đào tạo tiến sĩ trong nước hiện nay là đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm. Nghiên cứu sinh vẫn làm việc ở cơ quan hoặc công tác ở địa phương, chỉ định kỳ gặp gỡ thầy hướng dẫn. Việc nghiên cứu sinh không làm việc trong môi trường học thuật, cả quá trình đào tạo chỉ hoàn thành một luận án thì giá trị khoa học của những luận án đó khó cao. 

Cũng bàn về vấn đề này, GS Nguyễn Trọng Giảng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường này đã phải siết lại quy trình hướng dẫn nghiên cứu sinh sau khi phát hiện nhiều điểm bất cập. Theo GS Nguyễn Trọng Giảng, nghiên cứu sinh phải thường xuyên làm việc tại cơ sở đào tạo, tham gia nghiên cứu khoa học, làm trợ giảng, thường xuyên tham gia các thảo luận liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình... Trong khi đó, khi trường này kiểm tra thì phát hiện có những nghiên cứu sinh không hề có mặt ở trường, không thực hiện đúng quy chế làm việc, không có báo cáo định kỳ và không tham gia sinh hoạt học thuật của bộ môn, gây khó khăn cho khâu quản lý và cả chất lượng đào tạo.

Liên quan đến chất lượng đào tạo tiến sĩ, có ý kiến còn cho rằng, tình trạng “chạy đua” lấy học vị tiến sĩ xuất phát chính từ chế độ đãi ngộ, bầu bán theo học hàm, học vị hiện nay. Trước xu hướng này, nếu chỉ ngành giáo dục siết chặt quản lý thì cũng không hiệu quả bởi thắt chặt chỗ này thì người ta lại “chạy” tới nơi khác trong khi năng lực kiểm soát, đánh giá của cơ quan quản lý lại không thể phủ rộng khắp.