Lúng túng việc thu hay không thu học phí trực tuyến khi nghỉ học kéo dài vì Covid-19

ANTD.VN - Việc học trực tuyến đang được Bộ GD-ĐT khuyến khích với các cấp từ đại học đến phổ thông khi việc nghỉ học đang phải kéo dài vì Covid-19. Tuy nhiên, việc thu học phí đối với chương trình này đang gây tranh cãi khi quy định không đồng nhất.

Trả lời thắc mắc về vấn đề thu chi học phí trong thời điểm nghỉ học kéo dài vì Covid-19, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, đối với học phí của các trường quốc tế và trường tư thục, việc thu học phí phải được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình.

Nếu triển khai dịch vụ hỗ trợ học online và thu chi phí thì triển khai trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 bên - nhà trường với cha mẹ học sinh - và phải thông báo công khai ngay từ đầu.

Bộ GD-ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online … thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ này là thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh. Bộ GD-ĐT không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này.

Trước câu hỏi việc thu phí để dạy và học online của các cơ sở giáo dục cần phải thực hiện thế nào cho đúng, ông Khánh cho biết, do đây là dịch vụ thỏa thuận nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này tránh tình trạng học sinh sinh viên nghỉ học quá dài do tình thế khách quan nghỉ chống dịch.

Bộ GD-ĐT không thể hướng dẫn việc này vì đây là các hoạt động ngoài kế hoạch và chương trình, các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh, sinh viên trước khi triển khai.

Trong khi đó, ngày 13/3, Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn gửi Trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố về việc chỉ đạo, quản lý dạy học của giáo viên, học sinh trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19.

Các trường học được yêu cầu đẩy mạnh dạy và học trên truyền hình và trực tuyến qua internet

Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu việc học online phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng. Nhà trường không được thu bất cứ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh khi tổ chức dạy học online, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên.

Điều này đang khiến nhiều trường ngoài công lập thắc mắc bởi việc đầu tư cho các chương trình học trực tuyến của mỗi trường được xây dựng và thiết kế riêng, phù hợp với nhu cầu đối tượng học sinh của trường.

Thực tế, chương trình miễn phí của Sở GD-ĐT như học trên hệ thống trực tuyến Hanoi Study mới chỉ triển khai được 3 tuần cho học sinh lớp 8,9 và 1 tuần cho học sinh lớp 11, 12. Các lớp học còn lại hiện chưa được triển khai tham gia chương trình này.

Điều này khiến các trường ngoài công lập đều phải tự xoay chuyển bằng các hình thức học tập khác nhau, đáp ứng nhu cầu phụ huynh học sinh vì chưa thể biết việc nghỉ học vì dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến thời gian nào.

Ông Nguyễn Kiến Thiết, đại diện phát ngôn của trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho rằng, quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ phù hợp với đối tượng là trường công lập. Nếu trường công có ngân sách nhà nước chi trả thì đương nhiên dạy học online sẽ không thu tiền, nhưng nếu muốn công nhận kết quả học online, tức là giáo viên phải dạy chuẩn chỉ để có kết quả thực sự mà không cho các trường tư thu tiền thì trường tư lấy gì trả lương cho giáo viên. Đây là thực tế mà các cấp quản lý cần quan tâm đối với việc triển khai các chương trình trực tuyến.

Ông Thiết đề xuất, Sở GD-ĐT Hà Nội cần sớm có văn bản hướng dẫn các trường ngoài công lập về việc triển khai dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng và có cơ chế thu chi phù hợp giúp các trường khắc phục khó khăn trong thời điểm diễn ra dịch bệnh.

Được biết, trước tình trạng nghỉ học chưa từng có tiền lệ, kéo dài tới 2 tháng nay vì dịch bệnh Covid-19, ông Trần Tú Khánh cho biết, Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục, từ đó điều chỉnh một số văn bản hiện hành cho phù hợp.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.