Lúng túng phân luồng giáo dục phổ thông

ANTĐ - Đề án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD-ĐT soạn thảo trình Chính phủ được đánh giá là chưa thuyết phục bởi không thể hiện được tính phân luồng giữa học nghề và học văn hóa từ bậc phổ thông. GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam khẳng định, phân luồng vẫn tắc nếu cơ cấu theo hướng này.

Lúng túng phân luồng giáo dục phổ thông ảnh 1 Luồng học nghề vẫn chưa thực sự thông thoáng theo cơ cấu hệ thống giáo dục mới được đề xuất

- PV: Có ý kiến cho rằng cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới do Bộ GD-ĐT đề xuất không giải quyết được nút thắt phân luồng đại học và học nghề hiện nay, ông có bình luận gì?

Lúng túng phân luồng giáo dục phổ thông ảnh 2

- GS Phạm Tất Dong: Tôi không thấy sự thay đổi lớn trong định hướng phân luồng ngay từ bậc phổ thông ở đề án này. Với xu hướng đổi mới giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực, tôi cho rằng, không nhất thiết tất cả học sinh phải học hết lớp 12 mới chuyển sang học nghề. Chỉ cần học hết lớp 9, học sinh có thể chuyển tiếp sang học nghề và trong quá trình đó các em vẫn tiếp tục hoàn thiện kiến thức văn hóa phổ thông.

Hiện nay, các trường đại học cũng muốn phân luồng từ THCS theo hướng phần lớn sẽ đi vào học nghề, chỉ cần 1/3 học sinh hiện nay vào THPT, rồi từ đó chắt lọc tiếp để khi tốt nghiệp THPT có thể thi vào ĐH hay CĐ. Hiện tại, cơ cấu do Bộ GD-ĐT đề xuất ở bậc THPT mới thể hiện sự phân hóa năng lực theo các ngành đào tạo đại học.

- Trong lúc thị trường lao động chưa có dự báo, định hướng, nếu phân luồng sớm, học sinh sẽ không thích ứng kịp với những thay đổi của thị trường lao động?

- Trong quá trình học nghề, học sinh vẫn phải đảm bảo kiến thức phổ thông. Bên cạnh đó, sức vóc trẻ em hiện nay tương đối phù hợp với phân luồng học nghề sau lớp 9 do độ trưởng thành về thể chất sớm hơn. Trên thế giới cũng ít bàn đến phổ cập THPT mà họ đặt vấn đề về phổ cập trung học, trong đó bao gồm cả trung cấp nghề.

- Có nên đặt ra yêu cầu bắt buộc về tỷ lệ học nghề và học văn hóa ngay từ sau bậc THCS như nhiều nước đã thực hiện, thưa ông?

- Việc đặt tỷ lệ chỉ có ý nghĩa khi đã thực hiện phân luồng. Lâu nay ta phân luồng chưa tốt nên không thể đưa ra định mức tỷ lệ bao nhiêu học sinh học lên đại học, bao nhiêu học nghề. Tôi cho rằng chỉ cần 1/3 số học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học. Chúng ta đang mở thêm nhiều trường đại học, sẵn sàng tuyển đủ mọi trình độ khác nhau. Học sinh hiện nay chỉ cần tốt nghiệp THPT đã nhận được thư mời vào đại học. Gần như 100% học sinh tốt nghiệp THPT vẫn vào được đại học là không phù hợp. Điều này sẽ tạo ra sự mất cân đối trên thị trường nhân lực do dôi dư lao động có trình độ đại học, dẫn tới cử nhân lại đi làm các việc của lao động phổ thông, gây tốn kém cho người lao động khi đầu tư thời gian, tiền bạc học đại học nhưng không tìm được việc làm phù hợp.


- Trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD-ĐT đề xuất, phần học nghề dường như chưa cân xứng với học thuật, thưa ông?

- Nhiều trường CĐ nghề hiện nay được trang bị rất tốt, sinh viên ra trường sẽ có trình độ vững vàng. Đặc biệt, hiện nay đang có sự cạnh tranh cao trong thị trường lao động khu vực. Chúng ta không nhanh thì sẽ thua trong đào tạo nhân lực nghề bậc cao. Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH phải ngồi lại với nhau và tìm biện pháp để học sinh thực sự quan tâm tới học nghề. Học nghề không phải là tuyển những học sinh kém mà phải tuyển những học sinh có kỹ năng, năng lực về thực hành nghề…