“Lực bất tòng tâm”

(ANTĐ) - Trong phiên họp của Chính Phủ chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả đợt rét khốc liệt nhất trong lịch sử, một vấn đề nóng hổi nhất là không để dịch bùng phát ở các vùng “trọng điểm” rét đậm, rét hại tàn phá đàn gia súc. Mầm mống dịch bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, cúm gia cầm tiềm ẩn và nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.

“Lực bất tòng tâm”

(ANTĐ) - Trong phiên họp của Chính Phủ chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả đợt rét khốc liệt nhất trong lịch sử, một vấn đề nóng hổi nhất là không để dịch bùng phát ở các vùng “trọng điểm” rét đậm, rét hại tàn phá đàn gia súc. Mầm mống dịch bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, cúm gia cầm tiềm ẩn và nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.

Rét đậm, rét hại dù đã vượt qua “đỉnh rét”, song vẫn còn dai dẳng, kéo dài. Trong khi đó, theo dự báo khí tượng, sau đợt rét kỷ lục này sẽ là nắng nóng, khô hạn. Không thể lường trước những diễn biến phức tạp của thiên nhiên, vậy thì lực lượng phòng chống dịch của cả nước hiện nay ra sao?

Đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có vỏn vẹn hai cơ quan quản lý vấn đề này là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn). Một đất nước hơn 84 triệu dân lại luôn đối mặt với thiên tai, dịch bệnh rình rập quanh năm, vậy mà đội quân Thanh tra y tế của cả nước chỉ có chừng 230 người.

Nếu chia lực lượng này cho 64 tỉnh, thành trong toàn quốc thì trung bình chỉ có từ 1 đến 3 Thanh tra y tế và chỉ có 0,5 thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho 1 tỉnh có số dân từ 1 đến 3 triệu người với khoảng 1.000-20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Thậm chí ở các tuyến huyện, xã, càng hiếm hoi hơn. Quả thật là “lực bất tòng tâm”.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi tỉnh cần có từ 10-15 cán bộ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; cứ 1 vạn dân thì phải có 1 Thanh tra y tế chuyên ngành. ở Trung Quốc đội quân thanh tra chuyên ngành có tới trên 5 vạn người; ở Nhật Bản lên tới 12.000 thanh tra; Riêng Thủ đô Bang Kok Thái Lan cũng có trên 5.000 thanh tra.

Lực lượng quản lý, thanh tra của ta vốn đã quá mỏng, nhưng tiền đầu tư cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn mỏng hơn. Mức bình quân đầu tư cho 1 người dân mới đạt 500 đồng/năm so với các nước trong khu vực là 1 USD/người /năm. Sau khi đợt rét lịch sử đã kéo sang ngày thứ 33, Bộ Y tế mới có công điện chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương tiến hành công tác phòng chống dịch bệnh ở gia súc và người.

Không nên quên rằng đến giờ phút này cả nước chưa thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành thực phẩm, nhiệm vụ được “khoán trắng” cho Thanh tra y tế kiêm nhiệm. Nhân lực chỉ có thế cho nên mỗi năm, một xã hoặc phường chỉ “đón” được 0,2 lượt đoàn thanh tra; một huyện chỉ có 0,4 lượt và một tỉnh được 1,07 lượt.

Cũng dễ hiểu và “thông cảm” tình trạng thanh tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”; kiểm tra và xử lý hình thức như “chuồn chuồn đạp nước”. Lực bất tòng tâm đã quá rõ, song sự bất lực còn đáng lo ngại hơn với hệ thống xét nghiệm quá èo uột.

Hiện cả nước chỉ có 16/64 tỉnh được trang bị máy xét nghiệm, tuy nhiên khả năng phân tích các chỉ tiêu độc tố, hóa chất, khoáng sinh cũng rất hạn chế và bất cập. Nhiều loại hóa chất độc hại, chất bảo quản thực vật tồn đọng trong thịt gia súc, gia cầm... thì máy xét nghiệm cũng... bó tay.

Thậm chí, Nhà nước đã đầu tư mua máy kiểm tra các loại hóa chất độc hại nhưng chẳng cơ quan nào muốn làm vì chi phí xét nghiệm quá đắt. Lực bất tòng tâm không có nghĩa là... bất lực trước dịch bệnh, trước tính mạng của nhân dân.

Đan Thanh