Luật hóa quyền chuyển đổi giới tính

ANTĐ - Sáng 24-11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Điểm nổi bật là Quốc hội đã thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính và các quyền, nghĩa vụ liên quan.

Luật hóa quyền chuyển đổi giới tính ảnh 1Các đại biểu thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế... 

Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính. 

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách quy định về chuyển đổi giới tính thành một điều và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. 

Trao đổi với báo chí sau khi Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua, ĐB Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trước mắt, Chính phủ cần sớm ban hành một nghị định để quy định về chuyển đổi giới tính. “Sau đó, chúng ta sẽ bàn để nâng nghị định lên thành luật chứ đợi có Luật Chuyển đổi giới tính mới được thực hiện thì… lâu lắm. Bởi từ nay tới 1-1-2017, nếu Quốc hội chưa ban hành Luật về chuyển đổi giới tính, thì quyền chuyển đổi giới tính ở trong nước vẫn sẽ bị “treo” - ĐB Ngô Văn Minh nói.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đáng chú ý, để hạn chế tình trạng ĐBQH vắng mặt nhiều tại các phiên họp của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định, trong trường hợp không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại kỳ họp từ 3 ngày làm việc liên tục trở lên vì lý do chính đáng, thì ĐBQH phải báo cáo xin phép Chủ tịch Quốc hội. Bên cạnh đó, Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng được sửa đổi theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào tham quan Nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. 

Cả nước bầu cử vào ngày 22-5-2016

Luật hóa quyền chuyển đổi giới tính ảnh 2
Ngày 24-11, với 92,11% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày 22-5-2016. Cũng liên quan tới nội dung này, chiều 24-11, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Với 465/469 ĐBQH tán thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. 

Tiếp đó, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 16 thành viên. Cũng trong chiều 24-11, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Thư ký Quốc hội. Theo đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội. Hôm nay (25-11), Quốc hội sẽ bỏ phiếu và công bố kết quả bầu Tổng thư ký Quốc hội.