Luật bó chặt sẽ không ai dám bỏ tiền làm ăn

ANTĐ - Quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân, hạn chế hình phạt tử hình, bỏ một số tội danh về kinh tế... là những nội dung trong Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được các ĐBQH thảo luận sôi nổi tại hội trường trong phiên họp ngày 16-6.

Quy định TNHS pháp nhân, tăng nguy cơ bỏ lọt tội phạm 

Về bổ sung quy định TNHS của pháp nhân và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung TNHS của pháp nhân, vì đã có chế tài dân sự, hành chính để xử lý. Khi pháp nhân vi phạm có thể cá thể hóa TNHS, truy tố cá nhân tham gia vào quá trình ra quyết định. 

Luật bó chặt sẽ không ai dám bỏ tiền làm ăn ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “ Nếu chúng ta nhân đạo quá với tội phạm sẽ thành vô nhân đạo với xã hội”. Ảnh: Thuần Thư

ĐB Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (ĐBQH Quảng Nam) đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, việc truy cứu TNHS của pháp nhân sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, làm tăng nguy cơ mất việc làm. Bên cạnh đó, Bộ luật TTHS cũng chưa có định hướng cụ thể về việc giải quyết TNHS với pháp nhân. Còn theo ĐB Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH Hà Nội), sự khác nhau giữa xử lý hình sự và xử lý hành chính đối với pháp nhân chỉ là vấn đề án tích. Nếu chỉ xử lý hình sự pháp nhân trong lĩnh vực kinh tế sẽ dẫn đến bất bình đẳng. Đáng lưu ý là, điều này sẽ tạo ra kẽ hở lớn để cá nhân trốn tội, là nguy cơ lớn để bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức. Do vậy, không nên quy định TNHS đối với pháp nhân.

Nên bỏ các tội danh không còn phù hợp

Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến sẽ bỏ 8 tội danh không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, trong đó có tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Kinh doanh trái phép”. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh (ĐBQH Lai Châu) bày tỏ quan điểm, trong lĩnh vực kinh tế, Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Thông lệ quốc tế là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự. Nếu BLHS không minh bạch, rõ ràng thì sẽ là rào cản rất lớn, bởi trong đầu tư kinh doanh, chỉ cần sơ sẩy là có thể bị truy cứu TNHS. 

Hơn nữa, trong lĩnh vực kinh tế, sai phạm chủ yếu nhằm thu lợi nhuận nhiều hơn, do đó, trừ việc gây ra nguy hiểm cho xã hội, còn lại nên xử lý bằng các biện pháp kinh tế nhằm thu hồi lợi nhuận và khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. Biện pháp hình sự chưa chắc đã đảm bảo được mục tiêu đó vì nhiều vụ xử rồi thì không thu hồi được tài sản, trong khi nếu để người vi phạm đền bù sẽ tốt hơn. Do vậy, việc bỏ 2 tội nêu trên là hoàn toàn phù hợp.  “Những luật về kinh tế có thông thoáng bao nhiêu đi chăng nữa mà Luật Hình sự bó chặt lại, không rõ ràng, minh bạch thì chẳng ai dám bỏ tiền làm ăn. Tôi chắc chắn như vậy”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn chia sẻ.

Pháp luật còn sự “vênh” nhau 

Liên quan đến hình phạt tử hình, nhiều ý kiến đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội chống loài người, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy; tham nhũng... ĐB Lê Đông Phong (TP. HCM) đề nghị không bỏ hình phạt tử hình với tội cướp tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy. ĐB Phạm Trường Dân thống nhất với ý kiến trên và bổ sung thêm tội “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia”.

Luật bó chặt sẽ không ai dám bỏ tiền làm ăn ảnh 2

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội): “Không nên quy định TNHS đối với pháp nhân”

 ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng không nên giảm bớt hình phạt tử hình bằng mọi giá.

Với các trường hợp không thi hành án tử hình, đa số ý kiến đề nghị không quy định loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên. Cho rằng: nhân đạo quá với tội phạm sẽ thành vô nhân đạo với xã hội, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Cơ sở nào khẳng định người trên 70 tuổi sẽ không phạm tội đặc biệt nghiêm trọng?

Về độ tuổi và phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên, đa số ý kiến đề nghị giữ quy định độ tuổi và phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên như hiện nay, vì thực tế vấn đề này đến nay không vướng mắc.

Liên quan đến một số nội dung khác, ĐB Nguyễn Đình Quyền bày tỏ quan điểm, BLHS hiện hành còn nhiều hạn chế: Những vấn đề định lượng chưa được quy định cụ thể, khung hình phạt còn quá rộng, cấu thành cơ bản, cấu thành định khung của không ít tội danh còn rất chung chung. Đây là những vấn đề xương sống cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.

ĐB Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM bổ sung thêm, nguyên nhân dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều về BLHS sửa đổi là do có sự “vênh” nhau trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, điều quan trọng là cần rà soát lại các quy định trong BLHS và các luật chuyên ngành khác để sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, nhằm đảm bảo tính thống nhất.