Luận điệu "mượn gió bẻ măng" phải bị lên án và ngăn chặn

ANTD.VN - Vụ việc 39 người di cư tử vong trong thùng xe container ở hạt Essex, Đông Bắc Thủ đô London của nước Anh vẫn tiếp tục làm chấn động dư luận thế giới. Trong khi các cơ quan chức năng của Anh và các nước, trong đó có Việt Nam, tích cực phối hợp làm rõ vụ việc, thì có những kẻ lại đang lợi dụng thảm kịch này để bôi nhọ, nói xấu Việt Nam.

Đẩy mạnh việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương, chiến lược thúc đẩy việc làm bền vững, qua đó huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế

Chiến dịch nói xấu chính quyền

Cho đến nay, công tác điều tra nhằm xác định danh tính các nạn nhân, thu thập chứng cớ về mặt pháp lý để truy tố những kẻ tội phạm liên quan đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, điều bất thường là mặc dù chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc, các thế lực chống đối, thiếu thiện chí với Việt Nam đã ngay lập tức triển khai chiến dịch nói xấu Việt Nam.

Chẳng dựa trên cơ sở nào, chúng cho rằng đây là hệ quả của việc Đảng và Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo, dẫn đến việc nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa rất nghèo nàn, lạc hậu, người dân phải bỏ quê hương đi lao động ở nước ngoài, trong đó có đi bằng con đường bất hợp pháp dẫn đến bi kịch như ở Anh vừa rồi.

Làm ngơ trước việc Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan, phối hợp với nhà chức trách Anh, đồng thời triển khai các công việc cấp bách ở ngay trong nước; phớt lờ việc Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland thống nhất công tác phối hợp làm rõ vụ việc, chúng “kết tội” các cơ quan chức năng của Việt Nam là “vô lương tâm, khước từ trách nhiệm và đổ hết lỗi lên đầu người dân, đặc biệt người nghèo”, rằng cách làm như vậy chẳng khác nào muốn “dội lên đầu người nghèo một gáo nước lạnh”.

Rồi không chỉ riêng đói nghèo, chúng dựng lên đủ chuyện, rằng đây là hệ quả của thảm họa môi trường, bất an xã hội, đàn áp chính trị, thậm chí xới lại cả cái gọi là “thảm họa thuyền nhân” trong quá khứ. Chúng vẽ lên viễn cảnh đất nước đầy u ám, đen tối với cuộc sống bất an, người dân mất niềm tin với chính quyền... Cuối cùng, chúng kết luận: “Chính quyền đang cai trị là một chính quyền thất bại”.

Thực tế cho thấy nhiều năm qua, các thế lực thiếu thiện chí, chống đối luôn tìm mọi cách để bôi nhọ, nói xấu Việt Nam, chỉ trích chính quyền. Vụ việc 39 người di cư tử vong, trong đó có nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam, là cơ hội thuận lợi để chúng thực hiện mong muốn của mình. 

Việc làm phải bị lên án và ngăn chặn

Hơn 3 thập kỷ vừa qua, xóa đói giảm nghèo luôn là lĩnh vực đạt được nhiều thành công ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế cao, hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế đã cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền trong cả nước.

Năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn năm 2015 mà Liên hợp quốc đặt ra. Theo thống kê của Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với năm 2017.

Sau hơn 30 năm Đổi mới, từ chỗ là nước thiếu gạo, phải nhập khẩu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh ở các xã thuộc vùng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế từ nguồn vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo. 

Chưa dừng ở đó, năm 2015, Chính phủ ban hành quyết định mới có tính đột phá về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ được xác định với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn. Cùng với đó là việc xác định rõ 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh. Việc đạt được những kết quả giảm nghèo ấn tượng là nhờ tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam trong ba thập niên vừa qua được đánh giá là mang tính bao trùm, đại đa số người dân được tham gia vào tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này. 

Liên quan đến xuất khẩu lao động, Đảng và Nhà nước coi đẩy mạnh việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương. Đây  không chỉ là kênh giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, mà còn là chiến lược thúc đẩy việc làm bền vững, qua đó huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế. 

Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, cả nước đã có 362 doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề.

Xuất khẩu lao động đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm, chiếm khoảng 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm của cả nước. Với mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về đã có cuộc sống tốt hơn.

Không những thế, hiệu quả của chương trình xuất khẩu lao động không chỉ được đo, đếm bằng hàng tỷ USD mà người lao động gửi về hàng năm, mà còn ở kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê với hệ thống hạ tầng khang trang. Cùng với đó, xuất khẩu lao động góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tôi luyện dài ngày trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Trong khu vực và trên thế giới, nhiều nước cũng quan tâm đến xuất khẩu lao động và thu được nhiều lợi ích, góp phần phát triển đất nước. Philippines hiện có hơn 10 triệu lao động đang làm việc tại nước ngoài và con số này vẫn đang có xu hướng tăng lên. Xuất khẩu lao động từ lâu đã được Philippines coi là một mũi nhọn để phát triển kinh tế, ngoại hối thu về được dùng để đầu tư vào các dự án trong nước. Lao động ở nước ngoài được coi là “người hùng” và được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ như miễn thuế giá trị gia tăng, con cái được giảm học phí và bảo hiểm y tế, không phải xếp hàng khi xuất nhập cảnh…

Mô tả đi xuất khẩu lao động như là “lối thoát cuối cùng”, là “chạy trốn” khỏi đất nước chẳng những không phản ánh đúng thực tế, mà còn không hiểu xu hướng chung của khu vực và thế giới. Phủ nhận thành tựu được cả thế giới công nhận, phớt lờ thực tế thành công của Việt Nam được coi như một mô hình đáng học tập với các nước, cố tình dựng lên chuyện người Việt Nam di cư thiệt mạng ở Anh xuất phát từ cái gốc là đói nghèo, các thế lực chống đối, thiếu thiện chí đang  “mượn gió bẻ măng” để bôi nhọ, nói xấu Việt Nam, gieo rắc sự nghi ngờ về khả năng lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việc làm đó phải bị lên án và ngăn chặn.