Lừa đảo vặt trên đường phố: Phải đề phòng với thói xấu của chính mình

ANTĐ - Trưa nắng ấm. Trên phố Lý Tự Trọng, cổng sau Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) một cặp vợ chồng ăn mặc như người dưới miền Tây đang ngồi, chắc chờ đợi vào thăm người nhà nằm viện. Bỗng một người đàn bà ăn mặc cũng sạch sẽ từ cổng bệnh viện đi nhanh ra chỗ hai vợ chồng đang ngồi, dúi một gói nhỏ vào túi xách đang để trước mặt...

Ảnh: Internet

Những kịch bản hoàn hảo

Không để cho hai vợ chồng phản ứng, bà ta nói nhanh: Cho tôi gứi cái gói, tý nữa tôi lấy lại. Cảm ơn nhé. Rồi chị ta bỏ đi. Năm phút sau, trước cổng bệnh viện có sự cố. Một người đàn bà to béo dắt xe máy to tiếng phân bua: Có cây vàng mang đi phòng thân chữa bệnh cho cháu, đánh rơi mất đâu mà không biết. Gay nhất là mất luôn cả chứng minh thư. Vàng thì không tiếc vì nhà vừa trúng vụ tôm, nhưng ai nhặt được chứng minh thư giữ dùm, tôi xin chuộc lại. Bây giờ bà ta phải về Cần Giờ lấy tiền lên nuôi cháu. Phân bua xong, bà ta phóng xe đi luôn. Một lúc sau, khi đám đông đã giải tán, cái bà gửi gói giấy nhỏ xuất hiện. Nhận lại gói nhỏ, bà ta cố tình mở ra cho cả hai vợ chồng cùng xem. Thì ra gói nhỏ có một cây vàng SJC cuộn trong một cái chứng minh thư ép dẻo. Trông ảnh trong CMT thì đúng là của cái bà to béo vừa tru tréo mất vàng và CMT. Không hiểu thỏa thuận thế nào mà hai vợ chồng đồng ý đưa cho bà ta 3 chỉ vàng mang theo để đổi lấy cái gói có cây vàng và cả CMT với hy vọng mai bà to béo lên sẽ chuộc lại. Đến khi người đàn bà đi mất, hai vợ chồng mới nghĩ ra cần đến tiệm vàng kiểm định cây vàng nọ. Người chồng tất tả ra tiệm vàng. Dĩ nhiên kết quả là vàng giả, CMT cũng giả nốt. Đã có một kịch bản được bày ra và thực hiện hoàn hảo. Có người, có CMT… đúng quá rồi, đáng tin quá rồi…

Thời gian gần đây trên tuyến đường cao tốc từ Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội), có hiện tượng một số người bản địa dùng thủ đoạn lấy tiền âm phủ mệnh giá 20.000 bọc băng dính lại, dày từ 3-5 cm, sau đó lấy một đồng tiền thật mệnh giá 20.000 đồng dán dính cẩn thận ở bên ngoài để lừa người đi đường.

Khi bỏ trên đường họ cố tình để mặt có tờ tiền thật lên trên và mặt dưới bọc tờ giấy trắng và ghi vài dòng chữ liêu xiêu như: “Nhờ anh chị chuyển giúp cháu Hà số tiền (5.000.000) để đóng học phí và tiền nhà. Xin cảm ơn anh chị”. Khi có người cúi nhặt bọc tiền thì ngay lập tức cũng có vài người tiến đến cũng lao ra như thế “cùng nhìn thấy” và thỏa thuận cuối cùng được đưa ra là “chia đôi”. Những thủ thuật tinh vi đó đã làm không ít người nảy sinh lòng tham và sẵn sàng móc hầu bao cho họ mà cứ ngỡ mình “vớ được của”.

Đang chạy xe trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) TP.HCM, chị Hồng Trinh bị một xe máy ép vào lề đường, người đàn ông ngồi trên xe hỏi chị có đánh rơi bóp tiền không. Chị bảo không và lách xe đi tiếp. Người đàn ông lúc nãy chỉ "cái ông kia được cái ví trong có những 2 cây vàng". Không phải của mình nhưng do người đàn ông kia bàn đến nhận rồi chia nhau nên chị đã đồng ý. Chị chạy xe vào hẻm theo người cầm ví để xin. Nhưng khị chị dựng xe để xin cái ví thì bất ngờ một thanh niên nhảy lên xe chị chạy mất hút.

Tương tự, chị Hồng Nhung khi lưu thông trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) cũng bị một người đàn ông ép sát để đòi được trả ví. Do ví được để trong cốp xe và đang bận nên chị không để tâm mà đi tiếp. Tới cơ quan, kể chuyện với mọi người chị mới biết mình vừa thoát khỏi một vụ lừa đảo. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Nhung. Cách đây không lâu, ở bệnh viện Chợ Rẫy, một phụ nữ quê An Giang lên thăm nuôi chồng đã khóc ngất. Trong nước mắt chị kể, mới xuống xe buýt để đi vào bệnh viện chị và một người nữa cùng nhìn thấy một cái ví bên đường, mở ra thấy có ít tiền và một cây vàng. Người kia bàn chia đôi, chị thì lấy vàng và đưa hơn 11 triệu đồng cho hắn. Tưởng mua được vàng rẻ để thêm tiền chữa bệnh cho chồng, đâu ngờ chị bị lừa.

Lừa đảo cây cảnh

Một ông nhà báo chuyên viết về các vấn đề pháp luật kể lại cho người viết câu chuyện của ông làm tôi không nhịn được cười: Một hôm tôi ra đường và thấy một chị chạy xe máy, đằng sau đèo theo hai cây lộc vừng đang ra hoa rất đẹp, tôi vù xe theo và hỏi có bán không, chị ta dừng xe, đon đả phát giá 1,5 triệu một cặp. Tôi vốn thích lộc vừng, nhìn vào gốc hai cây kia khá to, già khoảng hơn 5 năm, tán đẹp, hoa nhiều vô số và rất dài, giá 1,5 triệu đồng không phải đắt cho một cặp cây đẹp như thế. Nhưng tôi vẫn mặc cả, và cuối cùng được bán với giá 1 triệu đồng một cặp. Ngoài ra còn xách thêm hai chậu cây gì tôi cũng không biết tên, chỉ biết là khá đẹp. Bốn cành hoa bốn phía, kiểu hoa xương rồng với giá 100 nghìn  một chậu. Dĩ nhiên khi về đến nhà, ông nhà báo phát hiện ra toàn bộ số hoa nở đẹp đẽ trên các cây kia là hoa gắn bằng keo 502 và mấy cây đó, giá thật sự chỉ vài chục nghìn đồng. Nhưng kết luận của ông nhà báo lại đáng sợ hơn: Sau đó tôi đo xem tất cả các cây đi bán rong trên phố Hà Nội, phát hiện ra đến 90% các cây hoa đều được gắn hoa bằng keo 502 để lừa người nhẹ dạ.Vậy thì đây đúng là lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi.

Lừa mua giá rẻ

Gần đây ở các thành phố lớn có nhiều người nại ra những khó khăn đột xuất mời mọi người mua iPhone 4s giá rẻ 6-8 triệu đồng, thậm chí bán cả các thiết bị điện tử hiện đại với giá bèo. Nhiều người tham rẻ về đến nhà mới biết là mua phải hàng nhái hoặc đồ hỏng, đồ Trung Quốc giá còn rẻ gấp mấy lần số tiền mà họ đã bỏ ra.

Trên đường phố Hà Nội, hoặc trong các khu tập thể đông dân cư hiện nay cũng xuất hiện khá nhiều đối tượng “lừa đảo đường phố” kiểu bán hàng “ăn cắp được” hoặc bán hàng giá rẻ. Thôi thì đủ các thứ, gi gỉ gì gi cái gì cũng rẻ. Nào là bếp ga ăn cắp được nên bán tháo, nào là nồi cơm điện “tuồn” từ trong công ty chính hãng nhưng giá lại rất mềm… nhưng thực chất đây là những hàng kém chất lượng từ Trung Quốc. Hiện nay ở khu vực gửi xe máy của Siêu thị Big C hoặc các nơi công cộng như công viên, bệnh viện, có một số đối tượng rao bán kính “chôm chỉa”. Bọn chúng chìa kính vào tận mặt người ta và nói rằng kính hàng hiệu giá vài triệu vừa trộm cắp được giờ chỉ bán với giá vài trăm. Nhiều người cả tin cũng mắt la mày lém vội vàng rút tiền ra trả với hy vọng được sở hữu chiếc kính hàng hiệu, nhưng hóa ra chỉ là kính vỉa hè giá vài chục nghìn đồng. Xem ra kẻ lừa đảo kia, mỗi ngày, chỉ cần bán được vài cái kính như vậy thì cũng không phải là ít tiền.

Lừa đảo trúng thưởng xổ số

Mới đây, lãnh đạo Phòng 9 Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết, đối tượng Nguyễn Phi Long, 25 tuổi, trú tại xã Long Kiến (Chợ Mới, An Giang) đã ra đầu thú tại Công an xã Long Kiến. Đây là "trợ thủ đắc lực" của Nguyễn Văn Thuận Em, đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo khắp các tỉnh phía Nam thông qua hình thức trúng thưởng lô - đề và trúng thưởng điện thoại. Phòng 9 đã cử điều tra viên đến Công an xã Long Kiến để phối hợp giải quyết và điều tra về hành vi phạm tội của đối tượng.

Theo lời khai của Nguyễn Phi Long, anh ta là em cùng cha, khác mẹ với Thuận Em. Tháng 11-2009, Long được Thuận Em kết nạp vào "băng nhóm lừa đảo", theo đó Long phải mở tài khoản thẻ ATM để hoạt động lừa đảo. Do nhặt được CMND mang tên Nguyễn Văn Dương trước đó nên Long đã mang CMND này đến Ngân hàng Công thương chi nhánh 12 - TP.HCM để mở tài khoản thẻ ATM số 711A-25117469. 

Long đã cùng với Thuận Em bằng thủ đoạn giả mạo nhân viên Bưu điện và Công ty Xổ số để lừa đảo 5 vụ, chiếm đoạt tiền qua tài khoản thẻ ATM 68,5 triệu đồng. Cũng bằng tài khoản thẻ ATM trên, Long cùng với Nguyễn Văn Hạnh (mẹ Hạnh và mẹ Long là hai chị em) gây ra 3 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 152,25 triệu đồng.

Đây không phải là chiêu thức mới mẻ nhưng vẫn lừa được những kẻ nhẹ dạ ở các vùng nông thôn ít thông tin.

Tại sao người ta dễ bị lừa?

Phỏng vấn một cán bộ C45 chúng tôi được biết, không thể nào thống kê hết các thủ đoạn lừa đảo vặt của bọn tội phạm vì chúng thường thay đổi theo những hoàn cảnh cụ thể. Nhưng chung nhất là chúng thường đánh vào hai điểm yếu của con người. Thứ nhất là lòng tham. Chúng thường đưa ra những món lợi từ trên trời rơi xuống như nhặt được của rơi, may mắn trúng thưởng, gặp khó khăn phải bán rẻ… đánh vào lòng tham của những người nhẹ dạ. Chúng lại bày ra những hoàn cảnh để người bị lừa không thể kiểm tra được, ví dụ như cần gấp, bận việc, phải đi…Thứ hai là lòng thương người. Rất nhiều người khi gặp những hoàn cảnh đáng thương của người khác đã sẵn sàng sẻ chia tài sản cho người bị hoạn nạn. Do vậy chúng tạo ra các hoàn cảnh thương tâm để lừa người đi đường. 

Chính lòng tham chiếm đoạt của người khác mà không phải lao động là nguyên nhân chính để rất nhiều người bị lừa và tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo hoạt động.  Vì vậy quan trọng nhất là con người phải cảnh giác với những cái xấu của chính mình.