Lựa chọn nghề nghiệp: Vẫn theo lối mòn cảm tính

(ANTĐ) - Ngày 16-3, hàng trăm học sinh THPT của Hà Nội đã tham dự diễn đàn Thanh niên với nghề nghiệp do Sở GD-ĐT, Thành đoàn, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức. Trước mốc quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề cho mình trong tương lai, nhiều học sinh vẫn chưa biết nên đi theo hướng nào khi mà các thông tin về tư vấn nghề nghiệp chưa rộng khắp đến từng trường, từng học sinh.

Lựa chọn nghề nghiệp: Vẫn theo lối mòn cảm tính

(ANTĐ) - Ngày 16-3, hàng trăm học sinh THPT của Hà Nội đã tham dự diễn đàn Thanh niên với nghề nghiệp do Sở GD-ĐT, Thành đoàn, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức. Trước mốc quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề cho mình trong tương lai, nhiều học sinh vẫn chưa biết nên đi theo hướng nào khi mà các thông tin về tư vấn nghề nghiệp chưa rộng khắp đến từng trường, từng học sinh.

Anh Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn - Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội:

Quá ít thông tin để học sinh lựa chọn nghề

Theo chuẩn quốc tế hiện nay về quy mô đào tạo, cứ 10 học viên công nhân kỹ thuật thì có 4 người học trung học chuyên nghiệp và 1 người học cao đẳng - đại học (10-4-1). Còn ở nước ta, mặc dù đã được cảnh báo từ rất lâu, nhưng cơ cấu đào tạo vẫn rất bất hợp lý, đó là cơ cấu “hình tháp ngược”.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do rất ít học sinh có tư tưởng yên tâm vào trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề. Nếu có bị bắt buộc phải vào, thì đi học tạm để “chờ thời”. Bên cạnh đó không ít nơi khi tuyển dụng còn coi trọng bằng cấp, chưa chú ý đến năng lực thực tiễn của người lao động.

Điều ấy khiến cho  học sinh chưa thực sự quan tâm đến các trường nghề. Những quan niệm không đầy đủ, đúng đắn về hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn dẫn đến một thực tế là có một số nghề dù nhu cầu về nhân lực rất lớn nhưng hệ thống các trường đào tạo nghề có rất ít HS đăng ký học.

 Đối với các bạn học sinh, trước khi quyết định một nghề nghiệp, một tương lai cho mình lại có quá ít thông tin. Học sinh thường chọn ngành nghề theo cảm tính hoặc chạy theo một số ngành nghề thời thượng, đang có nhu cầu “nóng”.

Điều này xuất phát từ những quan niệm sai lầm của các em cũng như một bộ phận cha mẹ học sinh, do thiếu hiểu biết, không căn cứ vào năng lực bản thân, nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, cũng có không ít học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo định hướng của bố mẹ hoặc sự lôi cuốn của bạn bè…

Bởi vậy, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp là công việc rất cần thiết để giúp các em có cái nhìn đúng đắn để quyết định chọn nghề cho mình sau này.

Nhiều thí sinh Hà Nội quan tâm đến các hệ đào tạo nghề
Nhiều thí sinh Hà Nội quan tâm đến các hệ đào tạo nghề


Ông Hoàng Hữu Niềm-Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội:

Hướng nghiệp trong trường học chỉ đạt hiệu quả khoảng 30%

Để giúp các em học sinh có định hướng nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục nhằm hỗ trợ thông tin, giới thiệu về ngành nghề cho học sinh có nhu cầu.

Tuy vậy, thực tế dù chưa có số liệu thống kê, đánh giá chính xác nhưng ước tính cũng chỉ khoảng 30% các trường tổ chức hoạt động hướng nghiệp một cách hiệu quả. Nguyên nhân ở đây là hầu hết các trường mới chỉ chú trọng vào công tác giảng dạy trên lớp mà thiếu điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia trong các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Cũng chính vì lý do này, thành phố đã chi 1,3 tỷ đồng cho chương trình “Ngày hội thanh niên Thủ đô với nghề nghiệp”, trong đó đặc biệt tập trung tạo cơ hội, hỗ trợ thông tin cho học sinh ở các vùng ngoại thành, nơi ít có điều kiện cập nhật thông tin.

Các em học sinh ở các địa bàn xa như Sóc Sơn, Thạch Thất, Mê Linh, Lương Sơn... đều được tổ chức đưa xe đến đón để có thể tham dự các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trong 3 ngày từ 15 đến 17-3.

Đặc biệt, ban tổ chức muốn hướng các em tiếp cận với các thông tin về đào tạo nghề, để các em có thể lựa chọn những lĩnh vực học tập phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và gia đình thay vì chỉ chọn mỗi con đường vào đại học.

Hiện tại, hệ thống các trường đào tạo nghề của Hà Nội có thể cung cấp tới 102 ngành nghề khác nhau, trong đó có nhiều ngành mới mở đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Đây là những thông tin rất đáng quan tâm đối với học sinh phổ thông.

Ông Lê Văn Lịch, Phó Hiệu trưởng trường THDL Kinh tế-Kỹ thuật Thăng Long:

Các trường cần có cơ hội tiếp xúc với học sinh

Học sinh hiện nay có quá ít thông tin về việc đào tạo nghề nghiệp trong các trường dạy nghề. Các trường cũng đã tìm cách để tiếp cận và trao đổi thông tin với học sinh nhưng nếu chỉ qua con đường trao đổi qua xã, phường thì học sinh cũng không thể nắm được thông tin cụ thể. Đây có thể là một trong những lý do học sinh ít quan tâm tới lĩnh vực đào tạo nghề.

Với chương trình ngày hội nghề nghiệp của thành phố, có thể thấy học sinh rất muốn tìm hiểu về đào tạo nghề khi lúc nào bàn đăng ký nhập học của trường cũng đông nghịt học sinh. Tuy nhiên, qua quan sát của nhà trường, các em học sinh vẫn chưa có kỹ năng tìm hiểu thông tin. Thường thì học sinh chỉ đổ xô vào đăng ký, ghi tên mà chưa tìm hiểu rõ tên trường, ngành nghề...

Theo tôi, để hoạt động tư vấn thực sự có hiệu quả, các trường phổ thông nên hướng dẫn các em học sinh có những kỹ năng cần thiết để tận dụng cơ hội thu thập thông tin hiệu quả. Hiện nay, hệ thống đào tạo nghề có rất nhiều phương thức đào tạo linh động, phù hợp với điều kiện của học sinh.

Học sinh chưa tốt nghiệp THPT cũng có thể được nhận vào đào tạo nghề và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học để các em có thể tìm việc. Khi có điều kiện tốt nghiệp phổ thông, những em này sẽ được tham gia kỳ sát hạch để được nhận bằng tốt nghiệp đào tạo nghề.

Ngoài ra, có rất nhiều chương trình liên thông đào tạo từ đào tạo trung cấp nghề lên CĐ, ĐH, tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục nâng cao trình độ nếu đủ điều kiện về trình độ học vấn, kinh tế...        

Vinh Hương