Lời nhắc nhớ của lịch sử

ANTĐ - Hôm nay, cách đây tròn 28 năm (ngày 14-3-1988), là ngày không thể nào quên với mỗi người dân Việt Nam. Trung Quốc dùng lực lượng quân sự chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Trong trận chiến không cân sức bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh anh dũng. 

Nhắc đến Gạc Ma là nhắc nhớ một vết thương chưa lành, đau buốt không chỉ trong lòng thân nhân liệt sĩ, cựu binh Gạc Ma, mà còn là nỗi đau mất mát một phần bờ cõi máu thịt của đất nước. Đau xót hơn, ngoài Biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa vẫn dậy sóng dữ, ngư dân miền Trung luôn bị đâm chìm tàu cá, hoặc trở về trên băng ca, hầm đá lạnh.

Năm tháng qua đi, nhưng ký ức đau thương và hào hùng như vẫn còn nguyên đó. Không ai là con dân nước Việt lại không cồn cào, nhức nhối khi nhắc tới 64 liệt sĩ dâng hiến tuổi thanh xuân bảo vệ Gạc Ma. Những nén tâm nhang tưởng nhớ các anh như những chấm lửa âm ỉ trong lòng dân. Những bó hoa thả xuống biển nơi các anh yên nghỉ trong sâu thẳm lòng biển quê hương. Từng viên đá, từng hạt cát trên đảo Gạc Ma thấm máu những người con đã ngã xuống gìn giữ, bảo vệ mỗi tấc đất đảo thiêng... 

Suốt 28 năm qua, đúng ngày giỗ các liệt sĩ Gạc Ma, thân nhân, gia đình chỉ thắp những nén nhang trên nấm mộ gió trong các nghĩa trang liệt sĩ. Ai cũng tin rằng, hồn các anh đã về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương, trong lòng đất Mẹ. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang được xây dựng, tên tuổi các liệt sĩ sẽ được khắc sâu trên bia đá.

Tượng đài, bia đá ghi nhớ, tôn vinh những anh hùng liệt sĩ hy sinh cao cả vì Tổ quốc, không chỉ “khắc cốt ghi xương” quá khứ bi hùng, mà còn nhắc nhở ngay cả hiện tại. Hai vụ cướp phá, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam vừa liên tiếp xảy ra tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Không còn là chuyện “tàu lạ” nữa. Lần này, tàu Trung Quốc trắng trợn đến mức không cần che giấu những hành động y như cướp biển của họ.

Báo chí nước ngoài đưa tin, 50.000 tàu cá của Trung Quốc được chính quyền cấp chi phí xăng dầu, khi tràn ra Biển Đông chẳng khác gì một đội dân binh khổng lồ, một biển người. Lực lượng này được chính quyền hỗ trợ đóng tàu lớn “đào tạo năng lực tự vệ” để đánh bắt bất hợp pháp trên Biển Đông. Trong khi đó, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ vừa cảnh báo, Trung Quốc đang ra sức quân sự hóa Biển Đông như bồi đắp, xây dựng các đảo và bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi của Việt Nam.

Tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, hàng triệu đôi mắt đều hướng ra Biển Đông như thầm nghe lời nhắc nhở của các liệt sĩ Hải quân cho thế hệ hôm nay không thể lãng quên Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc cũng như những biển đảo đang phải đổi bằng xương máu. Không thể và không được phép quên Gạc Ma cũng như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam.

Những trang sử bi hùng, oanh liệt này không thể không đưa vào sách giáo dục thế hệ mai sau. Nếu chậm trễ, những sự kiện đáng ghi nhớ này có thể mai một, thậm chí bị quên lãng. Truyền thống, đạo lý của dân tộc ta từ ngàn năm nay là “khép lại quá khứ”, nhưng không có nghĩa lãng quên quá khứ, nhất là khi nó vẫn đang tiếp diễn hiện tại.