30 năm sự kiện Gạc Ma (14-3-1988/14-3-2018):

Lợi ích quốc gia, dân tộc phải là tối thượng

ANTD.VN - Cuộc chiến Gạc Ma sau 30 năm vẫn còn nguyên giá trị về lòng yêu nước cũng như thách thức bảo vệ chủ quyền trên biển. Phóng viên Báo ANTĐ có cuộc trao đổi với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, để làm rõ hơn vấn đề này.

Lợi ích quốc gia, dân tộc phải là tối thượng ảnh 1PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an

- PV: Dưới góc nhìn một nhà nghiên cứu chiến lược, ông nhìn nhận thế nào về sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988?

- PGS-TS Lê Văn Cương: Vấn đề đầu tiên tôi muốn đề cập đó là người Việt Nam hiện nay và sau này cần nhận diện sự kiện Gạc Ma như thế nào. Phải khẳng định Gạc Ma và một số đảo chìm khác thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đánh chiếm ngày 14-3-1988 là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước thời điểm này, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở các đảo đá chìm do Việt Nam quản lý. Vì vậy, việc Trung Quốc dùng các tàu quân sự bức chiếm Gạc Ma cùng 6 đảo chìm khác trong năm 1988 là cuộc đánh chiếm một bộ phận lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông. Bản chất đó là cuộc xâm lược. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc - nơi họ là ủy viên thường trực, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên biển.

Ở góc nhìn lịch sử, 64 chiến sỹ Hải quân của chúng ta đã thể hiện tinh thần anh hùng bất khuất trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hình ảnh 64 chiến sỹ Hải quân hy sinh khi bảo vệ Gạc Ma cần phải được xem như nốt son, khắc vào trang sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Với tư cách một nhà nghiên cứu, một công dân Việt Nam, tôi đề nghị phải đưa sự kiện 14-3-1988 vào lịch sử những cuộc chiến chống xâm lược nước ngoài.

- Vì sao Trung Quốc chọn Gạc Ma và vì sao lại là thời điểm14-3-1988, thưa ông? 

-  Trước khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma, Việt Nam đang quản lý 27 đảo đá ở Trường Sa. Có những đảo dễ đánh chiếm hơn nhưng Trung Quốc chọn Gạc Ma cùng 6 đảo đá khác vì những đảo này có vị trí chiến lược quốc phòng cực kỳ quan trọng, nằm dọc từ cực Bắc đến cực Nam quần đảo Trường Sa, hòng phục vụ tham vọng của họ trên Biển Đông. Trước khi đánh chiếm, Trung Quốc đã nghiên cứu hàng tháng trời. Về mặt thời gian, họ chọn thời điểm cực kỳ khôn ngoan là tháng 3-1988, thời điểm Việt Nam đang ở đáy khủng hoảng kinh tế xã hội, lạm phát lên tới 700%, người bạn lớn nhất của Việt Nam là Liên Xô khi đó đang khủng hoảng toàn diện. Về đối ngoại, khi đó Việt Nam chưa có quan hệ quốc tế với các nước ASEAN và Mỹ, gần như bị cô lập trên chính trường quốc tế.

- 30 năm sau cuộc chiến Gạc Ma, thách thức bảo vệ chủ quyền trên biển vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hổi. Theo ông, chúng ta cần rút ra bài học gì?

- Bài học thứ nhất là đừng bao giờ để đất nước rơi vào thế cô lập. Thời điểm 14-3-1988 là lúc chúng ta bị cô lập hoàn toàn trên trường chính trị thế giới và Trung Quốc nhân cơ hội đó để đánh chiếm. Chúng ta có một luận điểm cơ bản xuyên suốt các kỳ đại hội Đảng là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Điều này mang tính sống còn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhìn từ sự kiện Gạc Ma, tôi thấy quan điểm của Đảng là hoàn toàn chính xác. Việt Nam là bạn bè của cộng đồng quốc tế. Khi chúng ta nằm trong lòng bạn bè quốc tế thì không một kẻ thù, một thế lực nào có thể làm gì được vì đụng đến Việt Nam là đụng đến cộng đồng quốc tế.

Bài học thứ hai là không được mơ hồ, không để bị bất ngờ. Mối quan hệ quốc tế hiện nay là đối tác và đối thủ đan xen nhau. Hoàn toàn không có bạn bè mãi mãi và cũng không có kẻ thù nào là vĩnh viễn. Lợi ích quốc gia, dân tộc phải là tối thượng. Cần tỉnh táo xem mối quan hệ của Việt Nam với các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ… để đánh giá. Tuyệt đối không được mơ hồ, ngộ nhận.

Bài học thứ ba, trong phát triển kinh tế cần phải đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Thách thức hiện nay rất lớn nhưng nếu chúng ta biết cách động viên người dân quyết tâm bảo vệ Tổ quốc như cha ông đã từng làm suốt hơn 2.000 năm lịch sử chống giặc ngoại xâm và được trang bị cần thiết thì không một thế lực nào trên hành tinh này có khả năng xâm phạm chủ quyền Việt Nam được.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện 3 phương thức ngoại giao, trong đó ngoại giao nhân dân đóng vai trò rất quan trọng. Tôi nghĩ lực lượng thanh niên Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới ngoại giao nhân dân. Hãy đưa tiếng nói của Việt Nam ra với 7 tỷ người dân thế giới để họ hiểu về Việt Nam, khi 7 tỷ người trên hành tinh hiểu và sẵn sàng sát cánh thì không một thế lực nào có thể xâm lược chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

- Xin cảm ơn PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương 

Toàn cảnh trận chiến đầy bi tráng

Lợi ích quốc gia, dân tộc phải là tối thượng ảnh 2Bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” do họa sĩ Bùi Lệ Trang vẽ để tưởng nhớ 64 liệt sĩ hải quân anh dũng hy sinh

Đầu tháng 3-1988, số tàu hoạt động thường xuyên của Hải quân Trung Quốc tại Trường Sa tăng lên 9-12 tàu chiến. Hải quân Việt Nam nhận định: Trung Quốc rất có khả năng sẽ chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 1150. Trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại tiếp tế của ta cho các đảo ta đang đóng giữ. Do đó, ngày 12-3-1988, tàu 605 được bố trí xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ Len Đao. Ngày 13-3-1988 tàu HQ-604 và tàu HQ-505 nhận lệnh xuất phát từ Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. 

21h ngày 13-3, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị cho các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững Gạc Ma, Cô Lin; khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm ngày 13-3. 

Khoảng 3h sáng 14-3-1988, lực lượng của Trung đoàn Công binh 83 bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên bãi Gạc Ma, lực lượng của Lữ đoàn 146 đã cắm được cờ lên bãi Gạc Ma. 

6h, ngày 14-3-1988, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo tiến vào giật cờ ta. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại cờ. Lính Trung Quốc đã nổ súng bắn vào bộ đội ta, làm Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công, nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.

Không ép được bộ đội ta rút khỏi đảo, 7h30 ngày 14-3, hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu 604 của ta, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt.

Trận đánh diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông cùng một số cán bộ, chiến sỹ trên tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.

Tại đảo Cô Lin, 6h ngày 14-3-1988, tàu HQ 505 đã cắm hai lá cờ lên đảo. Khi Tàu 604 của ta bị chìm, Thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Phát hiện thấy ta cơ động lên bãi, hai tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu 505. Bất chấp hiểm nguy, tàu 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy.

8h15 ngày 14-3, bộ đội trên tàu 505 vừa tiến hành dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sỹ của tàu 604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm. Cán bộ, chiến sĩ của Tàu HQ 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Đến nay, là cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn phấp phới tung bay trên đảo Cô Lin.

Ở hướng đảo Len Đao, 8h20 ngày 14-3, tàu của Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605 của ta. Cán bộ, chiến sỹ của tàu HQ 605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6h ngày 15-3 mới đến đảo). Tại Len Đao, sau trận chiến Gạc Ma, chúng ta đấu tranh kiên quyết, khiến Trung Quốc lui quân, ta bảo vệ thành công Len Đao đến ngày hôm nay.

Trong trận chiến đấu ngày 14-3-1988, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.