Loạn thần, bạo hành do lạm dụng rượu bia đang gia tăng

ANTĐ - Nếu như 15 năm qua, mức sử dụng rượu bia trên thế giới gần như không thay đổi, duy trì ở mức 6,2 lít/người/năm thì chỉ trong 10 năm qua, tình trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, từ 3,8 lít bia/người năm 2005 hiện đã lên 6,6 lít. Đáng lo ngại hơn là tình trạng sử dụng rượu bia không chính thống, rượu pha cồn công nghiệp ngày càng phổ biến.

Loạn thần, bạo hành do lạm dụng rượu bia đang gia tăng ảnh 1Dịp Tết nguyên đán Ất Mùi, Trung tâm Chống độc Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu gần 30 ca ngộ độc rượu

Tiêu thụ bia nhiều thứ ba châu Á

Thông tin tại hội thảo về phòng chống tác hại rượu bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 2-4, đại diện Vụ pháp chế - Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, vượt xa Thái Lan, Philippines và đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc. Điều đáng cảnh báo là mức sử dụng rượu bia của người Việt Nam vẫn đang gia tăng nhanh, trở thành thị trường hấp dẫn với các công ty đa quốc gia sản xuất rượu bia. Nếu như giai đoạn 2003-2005, người Việt chỉ tiêu thụ bình quân 3,8 lít bia/người/năm thì hiện đã tăng lên 6,6 lít, trong khi mức tiêu thụ rượu bia trung bình của thế giới trong thập kỷ qua gần như không thay đổi, duy trì ở mức 6,13 lít/người/năm.

Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng nam giới thì mức tiêu thụ trung bình/năm ở Việt Nam là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu. Các nghiên cứu chỉ ra, gần một nửa nam giới Việt Nam (48,5%) có sử dụng rượu bia. Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế cho biết, với mức tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia và khoảng 68 triệu lít rượu/năm (số liệu năm 2013), cũng đồng nghĩa mỗi năm người Việt phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD chi cho việc sử dụng rượu bia, gần bằng 3% thu ngân sách của cả nước. 

Thêm một điều lo ngại nữa là ở Việt Nam, tình trạng tiêu thụ rượu bia không chính thống chiếm tỷ lệ cao và gia tăng rất nhanh. Trong đó, tình trạng sử dụng rượu pha cồn công nghiệp khá phổ biến, gây nhiều tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra, sử dụng rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác. 

Pháp luật cần siết chặt hơn

Bà Vũ Thị Minh Hạnh phân tích, không chỉ lượng tiêu thụ rượu bia ở nước ta cao mà tỷ lệ sử dụng ở mức có hại cũng cao. Hậu quả của lạm dụng rượu bia không chỉ gây loạn thần, rối loạn bào thai, các loại bệnh mãn tính, ung thư mà còn làm gia tăng tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bạo hành. Ông Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương dẫn chứng, thống kê chưa đầy đủ của Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL chỉ rõ, 68% số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có nguyên nhân do sử dụng rượu bia; 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội, tai nạn có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia... Theo các chuyên gia, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng mức độ tiêu thụ rượu bia, song ở nước ta vẫn còn nhiều khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực này. 

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, việc tiếp cận rượu bia ở nước ta quá dễ dàng. Luật hiện nay chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn vẫn được thoải mái quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường. Điều này khó hạn chế được tình trạng lạm dụng rượu bia, khó giảm tác hại của rượu bia. Bộ Y tế kiến nghị cần điều chỉnh quảng cáo khuyến mại tài trợ theo nồng độ cồn, chứ không phải theo sản phẩm là bia hay rượu. Bà Trần Thị Trang chia sẻ, hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó dự kiến sẽ đề xuất các giải pháp mạnh trong việc kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ các sản phẩm rượu, bia.