Loại trừ nguy hiểm trên đường thủy trong mùa mưa bão

ANTD.VN - Chưa khi nào tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông trong cả nước lại diễn ra nhức nhối như hiện nay. Lực lượng Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội đang tập trung những biện pháp giải quyết căn cơ, tận gốc những vi phạm này.

CSGT đường thủy Hà Nội tuần tra trên sông Hồng

Từ việc chủ động xây dựng kế hoạch đến gắn chặt trách nhiệm giữa các đơn vị địa bàn, công tác đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên cát, sỏi trên các tuyến sông thuộc thành phố Hà Nội bước đầu đã được CSGT đường thủy kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả.

Chặn đứng “cát tặc” trên sông

Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT đường thủy, CATP Hà Nội đánh giá: Do cơ quan chức năng thắt chặt việc cấp phép nạo vét luồng, khai thác mỏ để rà soát dẫn đến khan hiếm cát, đẩy giá cát lên cao. Ở một số địa bàn như Hà Nội, các đối tượng bất chấp việc kiểm tra, xử lý của CSGT đường thủy, đã tìm đủ mọi cách khai thác trộm khoáng sản.

Chúng sử dụng mọi phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, dùng hệ thống hút cát công suất lớn cùng vòi hút tự động, nhanh chóng khai thác số lượng cát lớn và tẩu thoát nhanh khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

Ngay cả đối với những doanh nghiệp, công ty được cấp phép nạo vét, khơi luồng cũng vẫn tìm mọi cách để “vượt rào”. Những công ty này hoạt động không đúng theo Thông tư 69 của Bộ GTVT như sử dụng phương tiện, vị trí mốc giới, thời gian, độ sâu khai thác... Có công ty còn lợi dụng việc cấp phép đã bán giấy phép cho công ty khác, hoặc liên doanh, liên kết với những đơn vị không có đủ chức năng để tận thu tài nguyên.

Cá biệt có trường hợp còn tranh chấp dẫn tới khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc giám sát, ngăn chặn và xử lý. Nhiều đối tượng “cát tặc” còn hoán cải, tự chế phương tiện cỡ lớn hút trộm cát vào ban đêm, khu vực hẻo lánh ít người qua lại cũng như khi vắng bóng lực lượng chức năng. Các đối tượng khi bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý thường tìm mọi cách chống đối và tẩu tán tài sản, tang vật.  

Điển hình như vụ việc ngày 11-6 vừa qua, Đội Tuần tra kiểm soát số 1, Phòng CSGT đường thủy đã phát hiện phương tiện PT-1998 do Nguyễn Văn Giáp (SN 1983, ở Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội). Quá trình bắt giữ, Giáp và một số đối tượng trên phương tiện đã có hành vi cản trở người thi hành công vụ, quay đầu bỏ chạy.

Tổ công tác đã tăng cường lực lượng, cưỡng chế đưa phương tiện và người vi phạm về nơi neo đậu an toàn, bàn giao vụ việc cho CAH Ba Vì tiếp tục thụ lý. Thống kê của đơn vị cho thấy, Phòng CSGT đường thủy đã phát hiện, phối hợp và bắt giữ 28 vụ với 38 phương tiện, trong đó đơn vị trực tiếp phát hiện, bắt giữ 24 vụ với 29 phương tiện. 

CSGT đường thủy kiểm tra xử lý các vi phạm liên quan đến khai thác cát trái phép trên những tuyến sông

Xóa nỗi lo mùa mưa bão

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mực nước sông Hồng trong những năm qua xuống thấp, dao động từ 1-3,5m. Đã xuất hiện một số điểm khan cạn như Phú Châu - Ba Vì, khu vực thượng lưu cầu Vĩnh Thịnh - Sơn Tây, Trung Châu - Đan Phương, Thượng Cát - Bắc Từ Liêm... khiến cho hoạt động lưu thông của các phương tiện gặp khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã xảy ra 9 vụ va chạm làm chìm một số tàu thuyền. 

Để đảm bảo ATGT đường thủy, Phòng CSGT đường thủy đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa; các quy định đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy; nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy cho chủ tàu, thuyền và hành khách ở các bến khách ngang sông.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đường thủy cũng tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông đường thủy. Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng CSGT đường thủy đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt 2.832 trường hợp. Lỗi chủ yếu vẫn là neo đậu sai quy định, chở quá tải, người đi đò không mặc áo phao...

Mặc dù mực nước hạ song đến mùa mưa bão thì vẫn không ngoại trừ những hiểm nguy rình rập đối với tàu, thuyền, người tham gia giao thông trên sông. “Nhiều năm qua, dường như trên các tuyến sông Hà Nội không có nước lũ lớn. Chính điều này đã nảy sinh tâm lý chủ quan cho các lái tàu, thuyền và người tham gia giao thông trên sông. Ở một số bến khách ngang sông, vẫn còn tình trạng hành khách đi đò không chịu mặc áo phao hay chủ tàu, thuyền “quên” không trang bị phương tiện cứu sinh, cứu hộ. Những tồn tại, bất cập này đang được CBCS trong đơn vị rà soát, kiểm tra, khắc phục và kiên quyết xử lý nếu tái phạm” - Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy, CATP Hà Nội khẳng định.