Lo xa

(ANTĐ) - Lo xa là một đức tính quý báu của người Việt Nam ta được hình thành chẳng biết từ bao giờ. Nhỏ thì là miếng cơm, manh áo, thu vén việc trong nhà. Lớn là việc dựng nước, giữ nước. Từng người, từng người dân ai nấy đều lấy sự lo xa làm điều hệ trọng mà nhủ lòng: Hôm nay được ngày đẹp trời, đừng quên sắp tới rồi sẽ có mưa gió bão bùng bất chợt. Năm nay được mùa, nhỡ sang năm mất mùa thì sao? Nếp sống: Mùa hè chưa qua đã nghĩ ra mùa rét.

Lo xa

(ANTĐ) - Lo xa là một đức tính quý báu của người Việt Nam ta được hình thành chẳng biết từ bao giờ. Nhỏ thì là miếng cơm, manh áo, thu vén việc trong nhà. Lớn là việc dựng nước, giữ nước. Từng người, từng người dân ai nấy đều lấy sự lo xa làm điều hệ trọng mà nhủ lòng: Hôm nay được ngày đẹp trời, đừng quên sắp tới rồi sẽ có mưa gió bão bùng bất chợt. Năm nay được mùa, nhỡ sang năm mất mùa thì sao? Nếp sống: Mùa hè chưa qua đã nghĩ ra mùa rét.

Các vua Hùng buổi đầu mở cõi, dựng nước đã lo: có đất có dân rồi, lấy gì mà sống? Trẻ con được sinh ra, lấy gì mà nuôi? Thuở ấy mới chỉ có trồng lúa mà sống. Chính các vua Hùng vào ngày Tết âm lịch (mồng 5) đã ra ruộng làm lễ Hạ điền (vào mùa cày cấy) xới đường cày đầu năm hoặc cuốc đất, cùng tát nước, cấy tay mạ lúa chiêm, nói lời chúc mùa màng tốt tươi, nhà nhà ấm no.

“Mở mang bờ cõi rồi, còn phải lo giữ nước. Bốn nghìn năm dựng nước là bốn nghìn năm chống ngoại xâm. Hẳn một nỗi lo xa không nghĩ tới không được. Đánh đuổi được lớp ngoại xâm này, lại lo lớp ngoại xâm khác. Cụ Nguyễn Trãi (đời hậu Lê) theo vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) làm quân sư, lúc khởi nghĩa, kháng chiến thành công, viết “Bình Ngô đại cáo” đã có chủ trương cùng vua Lê Lợi quyết định thả hết tù binh, cung cấp lương thực cho họ yên ổn trên đường về nước nhằm giữ hòa khí với nhà Minh để dân nước có được ngày hòa bình mà sinh sống, tiếp tục dựng nước và giữ nước.

Chiến thắng rồi, cần nghĩ tới những ngày sau xa hơn.

Cụ Nguyễn Công Trứ (đời nhà Nguyễn) được giao việc ở Bộ Đinh (lo việc sinh sống cho dân) nghĩ: Người mỗi ngày một đông lên, cần phải có đất để ở. Bây giờ chưa thiếu đất, nay mai sẽ “đất chật người đông”. Cụ đã xin đi tới miền đất mới (nay là Nam Định, Thái Bình) khẩn hoang và đưa dân từ Nghệ An, Thanh Hóa ra dựng làng, xóm.

Cụ Lê Quý Đôn - một đại danh nhân của tỉnh Thái Bình vốn ham học, có chí, nhưng sự học có rất nhiều khó khăn. Học đâu biết đấy, nhưng sao mà nhớ hết. Rồi còn về sau. Thế là cụ ghi chép lại khỏi quên, khi cần sẽ lấy ra đọc. Tới năm cụ được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc công cán. Cụ biết rằng sẽ phải nhiều tháng, mà sự học thì vô cùng. Thế là cụ mang theo giấy, bút, mực, tài liệu cần thiết để khi cần ghi ngay, viết ngay. Lần đi sứ ấy cụ vừa làm việc của triều đình giao, vừa ghi chép, sứ mệnh hoàn thành, được nhà vua khen thưởng và để lại cho đời sau nhiều trang viết quý giá. Quả là: Có biết lo xa việc nhỏ, mới làm nên việc lớn.

Sau ngày Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, 95% người dân nước ta còn mù chữ. Cả nước vừa trải qua trận chết đói năm ất Dậu (mùa xuân 1945) – hơn 3 triệu người chết đói. Dân nước mà mù chữ, thì sao đất nước văn minh. Dân nước mà đói ăn, thì sao đất nước hùng cường. Công việc ấy không thể nhanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lo xa và Người kêu gọi toàn dân: “Chống giặc dốt, giặc đói”. Ngay lập tức hàng triệu lớp bình dân học vụ ra đời. Sau đấy, bây giờ là các trường lớp bổ túc văn hóa.

Lo xa...

ở mỗi nhà, nuôi con, con mỗi ngày mỗi lớn, có lo trước vẫn hơn, lo theo khả năng thực có của mình. Tết đến, các gia đình Việt Nam là người nghèo, đủ ăn, chỉ ngay trong tháng Giêng (tháng 1 âm lịch) là nghĩ ngay tới Tết năm sau. Không thể y như năm nay. Con cái đã lớn, ông bà, cha mẹ và ngay mình nữa... đồng tiền đầu tiên dành cho Tết năm sau đã được để dành...

Phong Thu