Lo tụt hậu vì năng suất lao động thấp

ANTĐ - Theo nghiên cứu mới được công bố của trường Đại học Kinh tế quốc dân, Việt Nam cần 12 năm nữa để bắt kịp mức năng suất lao động hiện nay của Indonesia, Philippines và cần 20 năm để bắt kịp Thái Lan. Là một trong những thước đo năng lực cạnh tranh quốc gia, con số trên cho thấy, nếu không có giải pháp cải thiện, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu và “hụt hơi” trong hội nhập.
Lo tụt hậu vì năng suất lao động thấp ảnh 1

Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam có dấu hiệu giảm dần 
Ảnh: THUẦN THƯ

Năng suất ngày càng giảm

TS Hồ Đình Bảo (trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam có dấu hiệu giảm dần kể từ năm 1991 đến nay. Cụ thể, trong giai đoạn 1991 - 1997, năng suất lao động của Việt Nam tăng 0,06%; đến giai đoạn 1997 - 2008, mức tăng còn 0,05%; và trong giai đoạn 2008 - 2012, tỷ lệ này chỉ còn 0,04%. Ngược lại với diễn biến này, trong các giai đoạn tương ứng nêu trên, năng suất lao động của Lào là 0,04% - 0,04% - 0,05%.

Với Ấn Độ, năng suất lao động tăng trưởng đều 0,04% - 0,05% - 0,06%... TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết: “Năng suất bình quân của các nước ASEAN đang cao gấp 2-3 lần Việt Nam. Năng suất lao động của Lào đang bám sát Việt Nam, Myanmar cũng sắp vượt qua chúng ta”. Báo cáo 2014 của Tổ chức năng suất châu Á cũng cho hay, năm 2012, một lao động Singapore tạo ra được 49,5 USD giá trị gia tăng thì một lao động Việt Nam chỉ tạo ra được 3,4 USD. 

Khu vực nông nghiệp hiện chiếm khoảng 20% GDP, tạo ra việc làm cho khoảng 50% lao động của nền kinh tế. Đây là một trong những lĩnh vực có năng suất lao động thấp nhất, trung bình chỉ bằng 40% năng suất lao động của cả nền kinh tế. Trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ, với 20m2 siêu thị, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần 4 nhân viên, trong khi doanh nghiệp nội cần đến 5,5 nhân viên. Tất cả những yếu tố này đều được tính vào chi phí của sản phẩm, dịch vụ. Chi phí tăng thì sản phẩm, dịch vụ càng kém tính cạnh tranh.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp FDI, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nước như: nông sản, thủy sản... tăng trưởng âm. Do đó, nếu không cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế những năm tới sẽ khó đạt được như kỳ vọng. 

Thách thức vô cùng lớn

GS. TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, phải gắn việc tăng lương với tăng năng suất lao động theo nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải lớn hơn tăng tiền lương. Tuy nhiên ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2012 tốc độ tăng lương tối thiểu vùng 1 vượt xa tốc độ tăng năng suất lao động.

Đến giai đoạn 2013 - 2014, khoảng cách này rút ngắn lại nhưng vẫn còn rất lớn. “Năng suất lao động phải trở thành động lực cốt lõi dẫn dắt tăng trưởng. Cần vực dậy làn sóng tăng trưởng dựa trên các nhân tố khởi nguồn mới có thể thay thế cho sự hụt hơi của những động lực tăng trưởng cốt lõi trước đây (bao gồm tài nguyên, số lượng lao động)” - GS. TS Trần Thọ Đạt nói. 

Theo kết quả điều tra của Viện Năng suất Việt Nam, năng suất lao động của ngành thấp, nhưng năng suất lao động của doanh nghiệp trong ngành lại không thấp. Nguyên nhân là các doanh nghiệp còn sử dụng nhiều lao động thời vụ. Ở một số ngành, năng suất lao động thấp do thời gian nghỉ của lao động nhiều, do doanh nghiệp thiếu sản phẩm chủ lực, thiếu đầu tư phát triển công nghệ. Đặc biệt, ở một số doanh nghiệp Nhà nước, năng suất lao động thấp do biên chế quá đông, người làm việc thực sự ít.

Để tăng năng suất lao động, cần tinh giản biên chế ở các doanh nghiệp này, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp cho lao động. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh cải tiến công nghệ, quy mô và trình độ lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành. Sắp tới, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập, người lao động nước ngoài được di chuyển tự do trong khu vực. Nếu lao động Việt Nam không kịp nâng cao trình độ thì AEC sẽ tạo ra những thách thức vô cùng lớn.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Muốn tăng được thu nhập khi lương tối thiểu tăng, chỉ có cách duy nhất là tăng năng suất lao động. Vấn đề này không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được ngay mà cần có thời gian vì năng suất lao động phụ thuộc vào kỹ năng của người lao động; dây chuyền sản xuất, công nghệ, máy móc, thiết bị; trình độ tổ chức, quản trị doanh nghiệp; cơ cấu lao động trong từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực”.