Lo "té giá" theo lương

ANTĐ - Dù phải ghi nhận nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tăng lương sau 3 năm trì hoãn, song công chức, viên chức đón nhận khoản lương tăng thêm tháng này với tâm trạng “mừng chẳng đủ bù lo”.

Tất nhiên lương công chức, viên chức, ngoài phần cứng là hệ số nhân với lương cơ bản còn có trợ cấp, phụ cấp, song với mức như hiện nay chỉ giúp cuộc sống của gần 3 triệu viên chức, công chức được cải thiện theo danh nghĩa.

Có nghĩa là, với mức tăng lương khiêm tốn như vậy trong khi tổng cầu nội địa trong tiêu dùng, giá dịch vụ y tế, giáo dục đã bắt đầu áp dụng mức tăng mới, chắc chắn sẽ tạo áp lực theo kiểu “té giá theo lương”. Mặc dù một số ý kiến cho rằng không nên quá lo xa về vòng xoáy “tăng lương - tăng giá - tăng lạm phát”, nhưng có một luồng ý kiến phân tích bối cảnh thị trường hiện nay và rút ra những nhận định rất đáng quan tâm. Giả sử lượng tiền lương mới này (11.000 tỷ đồng) chi hết cho tiêu dùng xã hội thì cũng chỉ góp phần tăng tổng cầu và kích thích tiêu thụ hàng hóa chưa được 0,4%.

Trong khi đó, vấn nạn thực phẩm bẩn, nỗi lo sợ mất an toàn vệ sinh miếng ăn hàng ngày đang đẩy người tiêu dùng, nhất là tầng lớp công chức, viên chức “lương 3 cọc 3 đồng” phải tìm đến những nguồn cung cấp thực phẩm có thể tạm yên tâm về chất lượng. Đương nhiên họ sẽ phải chấp nhận “đắt xắt ra miếng”, giá cả sẽ không thể bình dân như ngoài chợ dân sinh, chợ truyền thống.

Có nghĩa là chi tiêu sẽ phải tốn kém, đắt đỏ hơn và phải so đo, tính toán hơn. Thế nhưng, giờ đây các siêu thị, trung tâm thương mại được coi là những địa chỉ đáng tin cậy của người tiêu dùng lại bị làn sóng thôn tính của các đại gia bán lẻ sừng sỏ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thị trường bán lẻ rơi vào tay các tập đoàn, công ty “mạnh vì gạo bạo vì tiền” đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không còn được quyền mua sắm phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình vốn đã eo hẹp, trong khi hàng ngoại cũng chưa chắc đảm bảo vệ sinh hơn.

Áp lực của việc tăng lương không quá nặng lên cân đối ngân sách nhà nước. Chính phủ cũng cam kết sẽ không tăng phí, tăng thuế. Việc tăng lương đã tránh được tình trạng giật cục và đồng loạt trong tất cả các đối tượng hưởng lợi. Dẫu vậy, nỗi lo “té giá theo lương” vẫn chưa khi nào nguôi.