"Lộ sáng" nhiều sai phạm tại "siêu tổng công ty" SCIC

ANTD.VN - Ngày 23-11, Thanh tra Chính phủ đã thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Bên cạnh việc ghi nhận nhiều ưu điểm của SCIC, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm của “siêu Tổng Công ty” này. 

Về trách nhiệm của người đại diện vốn SCIC tại doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ chi ra, còn tình trạng người đại diện chưa thực hiện báo cáo đầy đủ, định kỳ theo quy định; phê duyệt đầu tư không báo cáo SCIC trước khi đưa ra xin ý kiến đại hội cổ đông; việc đầu tư không có phương án đầu tư, không được thẩm định hiệu quả của phương án đầu tư; không xin ý kiến của SCIC trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng quản trị đối với việc đầu tư hoặc những nội dung quan trọng của doanh nghiệp theo quy định.

Ngoài ra, trong việc thực hiện các dự án đầu tư, một số người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, để doanh nghiệp vi phạm các quy định về đấu thầu trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; thực hiện đầu tư dự án trước khi được đại hội cổ đông thông qua, không thẩm định hiệu quả của phương án đầu tư; thực hiện các dự án đầu tư không hiệu quả, quản lý dự án đầu tư không tốt dẫn đến khó thu hồi vốn đầu tư.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc SCIC ban hành Quy chế người đại diện vốn theo hướng mở rộng về độ tuổi đã dẫn đến sự khác biệt trong quy định đối với người đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong việc cử người đại diện đã quá tuổi nghỉ hưu. Đến thời điểm 30-9-2015, còn có 21 người đại diện của SCIC quá tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, khối lượng công việc được đánh giá là lớn so với khả năng đáp ứng của SCIC. Nhiều cán bộ SCIC (nhất là đội ngũ lãnh đạo) tham gia đại diện vốn Nhà nước tại 4-5 doanh nghiệp lớn hoặc tham gia quản trị, điều hành tại 5-6 doanh nghiệp và còn thực hiện các hoạt động quản lý Tổng Công ty, các phòng, ban tại SCIC.

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện, người đại diện chủ sở hữu vốn của SCIC tại doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ, có trường hợp từ khi tiếp nhận đến thời điểm kiểm tra SCIC không có văn bản ủy quyền; có trường hợp tiếp nhận được một thời gian dài mới ban hành văn bản ủy quyền người đại diện… Có người đại diện vốn của SCIC tại doanh nghiệp 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ nhưng SCIC không xem xét để thực hiện việc chấm dứt ủy quyền.

SCIC phải chấn chỉnh, khắc phục, xử lý ngay những khuyết điểm, vi phạm

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc theo dõi quỹ nhà đất tại các doanh nghiệp do SCIC là đại diện chủ sở hữu thực hiện chưa chính xác, chưa đầy đủ. Một số doanh nghiệp có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất nhất là việc cho thuê lại đất chưa được xử lý. Cùng với đó, công tác quản lý tài chính tại một số công ty do người đại diện vốn SCIC tham gia quản lý điều hành còn để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm. Đơn cử, một số doanh nghiệp có vi phạm trong công tác quản lý tài chính và hạch toán kế toán như: tính trích lập dự phòng sai quy định; sử dụng hóa đơn không hợp pháp, không hợp lệ làm chứng từ thanh toán; chi phí quản lý doanh nghiệp không hợp lý, hợp lệ... với tổng số tiền hơn 183,3 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ nhận định, việc đầu tư của SCIC về cơ bản là có lợi nhuận. Tuy nhiên, còn có một số khoản xác định hiệu quả đầu tư chưa rõ ràng. Việc đầu tư thêm vốn theo quyền mua của cổ đông hiện hữu chưa được thẩm định kỹ về hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư... Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho rằng, khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại Tổng Công ty Vinaconex với giá trị đầu tư thêm của SCIC 1.602 tỷ đồng theo quyền mua của cổ đông hiện hữu thực chất chỉ để giúp Vinaconex tái cơ cấu về tài chính trả nợ trái phiếu đến hạn, do khoản lỗ gần 2.000 tỷ đồng tại dự án Nhà máy xi măng Cẩm Phả. Ngoài ra, khoản đầu tư trên 43,3 tỷ đồng vào dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam chưa được Tổng Công ty Giấy Việt Nam xác nhận.

Từ những vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị SCIC phải tăng cường giám sát hoạt động của người đại diện nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót, yếu kém của các cá nhân này để có biện pháp ngăn chặn. Cùng đó, SCIC cần sớm hoàn thành và trình duyệt đề án cơ chế thí điểm nâng cao trách nhiệm người đại diện. SCIC phải rà soát, xử lý việc thực hiện các dự án, khoản đầu tư của SCIC cũng như tại các doanh nghiệp đảm bảo chặt chẽ về pháp lý và hiệu quả. Đặc biệt, SCIC cần công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý theo quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị xem xét, xử lý các khoản tính trích lập dự phòng sai quy định; sử dụng hóa đơn không hợp pháp, không hợp lệ làm chứng từ thanh toán tại một số công ty có phần vốn SCIC và các đơn vị thành viên với tổng số tiền trên 178,2 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính, SCIC căn cứ vào những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra để kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân theo thẩm quyền quản lý; đồng thời đề xuất hoặc áp dụng ngay các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những khuyết điểm, vi phạm.

Ngày 31-10, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết luận thanh tra tại SCIC. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với các nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, SCIC và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 1-2017.