Lo ngại tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ nếu cho phép nhận đơn thư qua email

ANTD.VN - Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, do vấn đề mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử hay chấp nhận giải quyết đơn tố cáo nặc danh rất phức tạp nên cần xin ý kiến Bộ Chính trị để quyết định.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày báo cáo tại phiên họp chiều 17-8

Chiều nay, 17-8, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, hiện nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung mở rộng thêm các hình thức tố cáo qua: điện thoại, fax, hộp thư điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm.

Về quan điểm của Chính phủ là vẫn đề nghị giữ nguyên quy định 2 hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi.

“Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp có nhiều quan điểm trái chiều, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị” – Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu rõ.

Tương tự, với quy định về đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo (tố cáo nặc danh), ông Sáu cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần có quy định xử lý đối với tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, có kèm theo thông tin, tài liệu, bằng chứng rõ ràng, để tránh bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm.

Tiếp thu một phần ý kiến này, khoản 5 Điều 20 dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng quy định: Trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo thì không thụ lý giải quyết. Trong trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng nội dung, thông tin rõ về người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể, có cơ sở thẩm tra, xác minh thì người tiếp nhận đơn tố cáo trình người đứng đầu cơ quan quản lý cùng cấp xem xét, quyết định để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.

“Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp có nhiều quan điểm trái chiều, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị” – Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí rằng "Về quy định hình thức tố cáo hay giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh, chắc chắn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị".