Lo ngại rác độc hại từ các bệnh viện, phòng khám tư

ANTĐ - Bên cạnh hệ thống y tế công lập, số BV, phòng khám tư nhân mọc lên ngày càng nhiều. Các cơ sở này đang gây ra những áp lực, nỗi lo rất lớn về công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là việc xử lý chất thải y tế nguy hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. TS. Doãn Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường - Bộ Y tế chia sẻ với ANTĐ xung quanh vấn đề này.

Lo ngại rác độc hại từ các bệnh viện, phòng khám tư ảnh 1
Công an Hà Nội bắt quả tang nhân viên một phòng khám vứt chất thải y tế 
ra môi trường ngày 15-5-2013

- PV: Là đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ quan trắc môi trường của các BV, cơ sở y tế ở khu vực phía Bắc, ông cho biết thực trạng xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở?

- TS. Doãn Ngọc Hải: Hiện cả nước có trên 1.360 cơ sở khám chữa bệnh các tuyến với tổng lượng chất thải rắn phát sinh 450 tấn/ngày, trong đó 47 tấn/ngày là chất thải y tế nguy hại. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế cần xử lý là 125.000 m3/ngày. Nếu không xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, những loại chất thải này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn tới sức khỏe con người.

Tại nước ta, các quy định pháp luật về xử lý chất thải y tế khá đầy đủ và chặt chẽ, Bộ Y tế và các địa phương cũng hết sức quan tâm chỉ đạo, song đáng tiếc là kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Xử lý chất thải y tế vẫn là thách thức quá lớn với ngành y và các cơ quan quản lý nhà nước. Có thể nói, nguy cơ ô nhiễm môi trường do việc xử lý rác thải y tế nguy hại chưa triệt để hay cố ý buông lỏng, bỏ quên xử lý, đang tồn tại ở gần như toàn bộ hệ thống cơ sở y tế, từ BV công lập cho đến BV tư nhân, từ các Viện nghiên cứu phát triển y tế, dược phẩm, các công ty sản xuất dược cho đến những cơ sở y tế tuyến ban đầu…

- Như vậy có nghĩa nhiều loại chất thải y tế nguy hại, đặc biệt là nước thải y tế vẫn được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý?

- Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số BV, cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý chất thải y tế rắn, lỏng… theo đúng tiêu chuẩn còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Phần lớn các cơ sở y tế được xây dựng từ nhiều thập niên trước đây, hệ thống xử lý chất thải y tế hiện đã xuống cấp, lạc hậu, không còn đáp ứng được nhu cầu. Phải nói rằng tiền đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải y tế vô cùng tốn kém, với một hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tốn hàng trăm triệu đồng còn xử lý nước thải thì tốn đến vài tỷ đồng. Trong khi đó, các cơ sở y tế công lập hoạt động theo ngân sách, nhiều đơn vị phải tự chủ về tài chính nên nguồn kinh phí hoạt động rất khó khăn, khó đầu tư đúng mức cho công tác này. 

Đặc biệt, những năm gần đây tại Hà Nội và các đô thị lớn, số BV, phòng khám tư nhân mọc lên rất nhiều. Do vốn ít, diện tích nhỏ, chật hẹp, nhiều cơ sở trốn tránh, không thực hiện nghiêm túc các quy định về xử lý chất thải y tế. Ở Hà Nội, gần như toàn bộ các cơ sở y tế tư nhân không đầu tư hệ thống xử lý chất thải mà ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom rác thải y tế của thành phố. Thế nhưng hiện nay toàn Hà Nội chỉ có công ty CP môi trường đô thị và công nghiệp 10 (URENCO 10) là đơn vị đầu mối có chức năng xử lý rác thải y tế nguy hại, trong khi số cơ sở y tế lại quá nhiều nên việc thu gom, xử lý bị quá tải. 

Riêng với nước thải y tế độc hại, có thể nói gần 100% số BV tư, phòng khám tư nhân ở Hà Nội hiện chưa có hệ thống xử lý đúng tiêu chuẩn, thậm chí không xử lý. Tất nhiên với các phòng khám tư, lượng nước thải y tế phát sinh không nhiều song về nguyên tắc vẫn bắt buộc phải xử lý nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, bởi chỉ cần một lượng nước thải y tế nguy hại rất nhỏ nếu được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý sẽ tiềm ẩn mối nguy hại rất lớn.

- Theo ông, muốn giải quyết được thực trạng này cần có những giải pháp gì?

- Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng số cơ sở y tế, số đối tượng được quan trắc, đánh giá môi trường mỗi năm để có được thực trạng đầy đủ về vấn đề này. Dù vậy, tôi vẫn nhấn mạnh rằng, rất khó để trả lời đến bao giờ các cơ sở y tế ở nước ta có thể kiểm soát triệt để các nguồn chất thải y tế nguy hại, điều này cần sự tham gia của toàn xã hội. 

Về công tác quản lý nhà nước, cần tăng cường thanh tra kiểm tra và giám sát liên ngành đối với các cơ sở y tế, kể cả công lập lẫn tư nhân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xử lý kiên quyết, nghiêm khắc với các cơ sở vi phạm hoặc chây ỳ, chậm tiến độ triển khai các biện pháp xử lý chất thải y tế nguy hại, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức của các cơ sở y tế, từ người đứng đầu cơ sở đến đội ngũ nhân viên, về bảo vệ môi trường và tuân thủ, chấp hành các quy định về xử lý chất thải y tế. Việc chấp hành này phải được thực hiện chặt chẽ từ khâu sử dụng, thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải y tế.

- Cảm ơn ông!

Chất thải lỏng y tế nguy hại có thể chứa các loại vi sinh vật, nấm, virus là nguyên nhân gây ra các bệnh viêm gan A, B, C…, hội chứng suy giảm miễn dịch, viêm màng não. Chất thải hóa học y tế nguy hại như dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất, vỏ các loại chai, dụng cụ dính thuốc gây độc tế bào… và chất thải phóng xạ (các phòng xạ trị, chụp chiếu) nếu không được xử lý tốt, xâm nhập vào môi trường hoặc nguồn nước ngầm sẽ gây nguy cơ nhiễm độc da, niêm mạc, gây đột biến gen, ung thư, các tổn thương di truyền. Các chất thải rắn y tế, chất thải giải phẫu bệnh có thể lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…

TS. Doãn Ngọc Hải