Lo học sinh khó đỗ

ANTĐ - Từ khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia, nhiều sở GD-ĐT bày tỏ lo ngại sẽ có nhiều học sinh khó có thể tốt nghiệp THPT. 

Tại cuộc họp chuẩn bị triển khai năm đầu tiên kỳ thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng, đại diện các sở đã phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề bất cập và bức xúc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đề minh họa của Bộ có câu rất dễ nhưng có câu quá khó. Điều xã hội quan tâm nhất là kết quả kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Băn khoăn nhất của các sở GD-ĐT nằm ở khâu ra đề thi. Làm sao bảo đảm được tính phân hóa trên phạm vi cả nước, từ học sinh dân tộc thiểu số đến thành phố, nông thôn? Một số ý kiến cho rằng, nếu đề thi ra theo kiểu minh họa mà Bộ GD-ĐT mới công bố, thì có khả năng nhiều học sinh không thể đỗ tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc ra đề cần có sự tham gia phản biện của giáo viên các trường có chất lượng học sinh khác nhau. Giáo viên nhiều trường ở vùng cao kiến nghị Bộ khi ra đề thi nên quan tâm học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa đi thi chỉ để tốt nghiệp THPT.

Một vấn đề không kém phần bức xúc là đảm bảo sự công bằng của kỳ thi, đặc biệt là khâu coi thi và chấm thi. Đại diện sở GD-ĐT một số tỉnh miền Trung cho rằng, các sở cần lựa chọn giáo viên tham gia chấm thi phải có khả năng chấm chính xác và chuyên nghiệp. Chẳng hạn đề thi môn Văn mấy năm nay là đề mở và đáp án mở. Nếu không phải giáo viên giỏi, không có kỹ năng “cảm nhận” tốt mà cứ bám chặt vào hướng dẫn đáp án thì sẽ thiệt thòi cho thí sinh.

Một nét mới trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới là Bộ GD-ĐT phân công các trường đại học hỗ trợ sở GD-ĐT tổ chức cụm thi tỉnh. Vấn đề sẽ phát sinh là, nếu đặt không đồng nhất giữa 2 loại cụm thi, công tác tổ chức không tốt sẽ dễ xảy ra tình trạng học sinh kém đỗ tốt nghiệp cao hơn học sinh giỏi, công bằng là ở khâu coi thi.

Tương tự, một trường đại học ở hai thành phố lớn được giao nhiệm vụ tổ chức cụm thi cho thí sinh các quận nội thành. Như vậy, sẽ có những thí sinh học ở đâu thì thi tại trường đó và do chính giáo viên nhà trường làm cán bộ coi thi. Còn một câu hỏi bỏ ngỏ là, thí sinh chỉ xét tuyển tốt nghiệp sẽ không đóng lệ phí, vậy nếu dự thi tại các cụm do trường đại học tổ chức thì có phải nộp lệ phí không?

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận rằng, sức ép đối với giám đốc sở GD-ĐT và chủ tịch UBND các tỉnh là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp. Nỗi lo học sinh khó đỗ không chỉ là nỗi lo của ngành giáo dục mà còn là nỗi lo chính đáng của những người làm cha mẹ cũng như hàng vạn học sinh mong có được tấm bằng tốt nghiệp sau 12 năm ăn học tốn tiền của và công sức.