Lo đại học ở Việt Nam tụt hậu

ANTD.VN - Trước những chuyển biến vượt bậc từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TSKH Phan Quang Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam lo ngại về sự tụt hậu của các trường đại học trong nước trước yêu cầu hoàn toàn mới về kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai gần.

Lo đại học ở Việt Nam tụt hậu ảnh 1Việc phát triển những mô hình giáo dục mới trước những đòi hỏi phải thay đổi là hướng đi phù hợp

Sự đe dọa của robot

TSKH Phan Quang Trung cho biết, các trường đại học trong nước đang đứng trước thách thức về đòi hỏi vượt bậc của thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp mạnh mẽ. Theo TSKH Phan Quang Trung đây là cuộc cách mạng khác biệt với sự hợp nhất của các loại công nghệ, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những sản phẩm đạt được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này mang lại nhiều thay đổi cơ bản và sâu rộng trong cuộc sống con người bao gồm đi lại, kinh doanh, chẩn đoán và điều trị bệnh… Điều này cũng khiến các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. 

Ví dụ cụ thể được đưa ra như trường hợp năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot. Thay vì từ 10 đến 20 nhân viên cho một nhà hàng thì nay chỉ còn 2-3 người để quản lý. Tháng 5-2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay bằng robot. Giới nghiên cứu cũng đánh giá, robot lao động không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp cao đẳng, đại học trở lên cũng có thể bị ảnh hưởng.

Những thay đổi này, đòi hỏi cần một phương pháp đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng. “Các trường đại học chúng ta hiện không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra quá nhanh” - ông Phan Quang Trung lo ngại.

Học online không giới hạn đối tượng, kiến thức

Online đã và đang chứng minh xu hướng phát triển của xã hội: đọc báo online, mua sắm online, mạng xã hội kết nối online, đặt vé máy bay online, mua vé xem phim online. Học online chắc chắn không nằm ngoài xu hướng đó.  TS. Nguyễn Thành Nam - người sáng lập, Hiệu trưởng Đại học FUNIX, đại học trực tuyến đầu tiên trong nước cho biết, mô hình học trực tuyến đang chứng minh tính hiệu quả vượt trội về nhiều mặt so với mô hình truyền thống. “Sinh viên FUNiX xác định tự học là chính. FUNIX  là đại học “trên mây”, bởi lẽ, không có trường lớp, thầy giáo, không có sách giáo khoa. Trường không dạy mà sẽ có một đội ngũ các chuyên gia công nghệ hàng đầu từ nhiều nước sẵn sàng trả lời các câu hỏi của sinh viên” - ông Nguyễn Thành Nam cho biết.

Một trong những sinh viên FUNIX, Kiro Nguyễn sống tại Mỹ cho biết vừa trở thành sinh viên của một trường đại học tại Việt Nam cách đây vài tháng, khi chỉ mới bước sang tuổi 15. Sinh viên này có sở thích đặc biệt với lĩnh vực công nghệ, nhất là máy vi tính và lập trình nên mong muốn trở thành kỹ sư phần mềm trong tương lai. Không đợi phải học xong cấp 3 rồi mới thi đại học như thường lệ, khi biết thông tin một đại học online ở Việt Nam tuyển sinh ngành này, cậu học trò nhỏ tuổi đã mạnh dạn đăng ký và trúng tuyển vào FUNIX.

“Em thích công nghệ phần mềm vì có thể đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề xung quanh. Khi tham gia lớp học này, em được tiếp nhận kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia. Họ đều là những người đứng đầu các công ty công nghệ trong và ngoài nước nên có nhiều trải nghiệm thực tế” - nam sinh này chia sẻ.

Còn Nguyễn Hương Thảo, học sinh lớp 10D8, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chọn đi tắt đón đầu ngành công nghệ thông tin trước khi đi du học ngành này ở Australia. Với mong muốn trở thành một lập trình viên trong tương lai, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thảo dành thời gian để có tấm bằng đại học với mong muốn trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân.

Do lịch học chính khóa ở trường vào ban ngày và phải dành thời gian đến trung tâm ngoại ngữ luyện thêm tiếng Anh, nên Thảo chỉ có thể bổ sung kiến thức công nghệ thông tin qua hình thức online ở Đại học FUNIX. Có thể thấy, việc phát triển những mô hình mới như đại học trực tuyến hay các khoá đào tạo nghề ngắn hạn online... bên cạnh giáo dục đại học truyền thống đang là hướng đi phù hợp với những đòi hỏi thay đổi, cập nhật liên tục của thị trường lao động trong tương lai.