Lo cho đầu ra

(ANTĐ) - Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo) vừa công bố công trình “Nghiên cứu đánh giá thực trạng tình hình cơ sở vật chất kỹ thuật các trường đại học đa ngành ở Việt Nam”.

Lo cho đầu ra

(ANTĐ) - Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo) vừa công bố công trình “Nghiên cứu đánh giá thực trạng tình hình cơ sở vật chất kỹ thuật các trường đại học đa ngành ở Việt Nam”.

Kết quả thật đáng lo ngại. Ông viện trưởng, chủ nhiệm nhóm tác giả nghiên cứu công trình nhận xét: “Trường đại học Việt Nam có cấu trúc như một trường phổ thông… cấp bốn” xét về chất lượng diện tích, chức năng và quy hoạch sử dụng đất đai.

Bản thân là người nhiều năm gắn bó với công tác thiết kế trường học, ông tiến sĩ viện trưởng cũng thấy rất đau lòng khi đưa ra lời đánh giá trên. Hiện nay các trường đại học Việt Nam, tỷ trọng lớp học để sinh viên đến trường ngồi trên giảng đường nghe thầy giảng và ghi chép bài không khác gì các trường phổ thông.

Các khảo sát, thống kê cho thấy, phần lớn các đại học quốc gia, đại học vùng, đại học khu vực trên cả nước (những trường đa ngành hàng đầu), tỷ lệ phòng học, giảng đường rất cao trên 60%; nhóm các trường tư thục, dân lập, tỷ trọng này cũng trên 70%. Điều này thoạt nghe tưởng là mừng, song lại đáng lo ngại vì với các trường đại học đa ngành, tỷ trọng những lớp học có đầy đủ trang thiết bị, giáo cụ cho sinh viên thực hành, nghiên cứu còn quá thấp, tức là sinh viên chỉ nặng về ghi chép trên lớp mà thiếu hẳn kỹ năng tự học, tự nâng cao kiến thức.

Trong khi đó, tại các trường đại học nước ngoài, mọi cơ sở vật chất kỹ thuật đều tạo cho sinh viên môi trường học tập chủ động, sáng tạo, đặc biệt là hệ thống thư viện. Ở đại học nước ta, thư viện vốn đã nghèo nàn, hạn chế nguồn tài liệu, sách vở nước ngoài, song chỉ như thư viện công cộng: cho mượn sách đọc tại chỗ và cho mượn sách mang về. Trong khi phòng học hội thảo theo nhóm, theo chuyên đề, chuyên khoa cũng như không gian góc tự học rất thiếu. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong các trường đại học nước ta, quy hoạch xây dựng bình quân diện tích trên đầu sinh viên quá thấp.

Đặc biệt, tỷ trọng khu vực tập trung có mật độ xây dựng quá cao, trong khi các khu chức năng vừa thiếu vừa chật chội. Lấy đâu ra chỗ để xây dựng các phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện, nói gì tới các khu rèn luyện thể chất, sân bóng, bể bơi…

Công trình nghiên cứu trên còn công bố những con số đáng lo ngại về thực trạng các trường đại học trên cả nước. Tính đến tháng 12-2009 chỉ có 19,5% sinh viên được ở ký túc xá, còn lại đều phải tự thuê nhà dân ở trọ. Trung bình cứ 21 sinh viên mới có được một chỗ ngồi trong thư viện trường. Đặc biệt, chỉ có 1,4% phòng thí nghiệm của các trường được “chiếu cố”  đánh giá là gần bằng tiêu chuẩn phòng thí nghiệm của các trường đại học trong khu vực châu Á.

Còn nhớ cách đây mười năm, nước ta chú trọng phát triển đại học chuyên ngành là rất phí phạm và không theo xu hướng hội nhập quốc tế. Mười năm sau, trường đại học nào mở ra cũng “quảng cáo” là đa ngành, thế nhưng lại không đầu tư điều kiện vật chất kỹ thuật để đáp ứng điều kiện. Rất nhiều trường nâng cấp theo hướng đa ngành, song cơ sở vật chất chỉ đủ đáp ứng đào tạo cơ bản. Để đào tạo chương trình tiên tiến, nhất thiết phải “nhập khẩu” chương trình của các đại học tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, cơ sở vật chất để theo kịp giảng dạy theo chương trình tiên tiến lại không có, đương nhiên chất lượng tiên tiến cũng rơi rụng nhiều.

Ở các đại học tiên tiến thế giới, học và hành là đòi hỏi “sống còn”. Phải có nhóm phòng học theo lớp, theo nhóm. Các phòng học chuyên dụng, các lớp học đặc thù được trang bị cabin để học tin học, ngoại ngữ. Cũng không thể thiếu các phòng thí nghiệm chuyên đề, công nghệ cao…

Đại học đâu chỉ là học mà quan trọng hơn còn phải hành, đào tạo, nghiên cứu đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế. Nhìn vào cơ ngơi đại học nước nhà không khỏi giật mình đặt câu hỏi: đầu ra của đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẽ ra sao?

Đan Thanh